Đoàn bóng bàn trước khi lên máy bay đi Nhật dự Asiad 1958 - Ảnh tư liệu
Danh thủ Mai Văn Hòa nằm xuống đã mang theo bí mật về những quả giao bóng trơn tuột như bôi mỡ! Hôm nay, chúng tôi đi tìm lời giải đáp từ những người cùng thời...
Kẻ bảo có, người nói không...
Tuyệt chiêu để đưa ông Mai Văn Hòa trở nên một danh thủ khét tiếng thế giới chính là những quả cắt, khả năng đón đỡ bóng đến mức siêu phàm. Một cây bút thể thao ngày ấy đã viết: “Lối chơi của Hòa là thủ mãi để thắng. Thắng nhờ đối phương không còn đủ kiên nhẫn...”!
Nhưng, hồi nhỏ tôi đã được nghe cha mình cùng nhiều bậc trưởng thượng khác kể về một huyền thoại của Mai Văn Hòa là ông thường có những quả giao bóng rất hiểm ác vào những thời điểm quyết định. Trong làng thể thao VN ngày ấy, người ta gọi đó là cú giao bóng “biăngtin”!
“Biăngtin” là tên gọi loại sáp bôi tóc cho bóng mượt, được các quí ông thời ấy rất ưa dùng. Danh thủ Mai Văn Hòa cũng có một đầu tóc láng mướt nhờ biăngtin mà người ta thường ví là ruồi đậu xuống đó sẽ trượt chân té! Và lời đồn bảo rằng ở những thời điểm quyết tử, khi cầm giao bóng, ông đưa tay vuốt nhẹ đầu một cái. Sau đó bàn tay vê tròn quả bóng để tráng cho nó một lớp biăngtin. Tiếp đến, những quả giao bóng lúc ấy đều rất đơn giản, không hiểm hóc. Đối phương lập tức tưởng bở giật ngay. Nhưng bóng trơn quá khiến nó tuột luốt không đâu vào đâu cả, và thế là thua!
Ông Trần Cảnh Đến - một người thân thiết với ông Hòa - đã cực lực phản bác điều đó, ông bảo người ta ganh anh Hòa nên nói thế. Ông Trần Cảnh Được - một đồng đội của ông Hòa, hiện ở Mỹ - cũng khẳng định không có chuyện đó. Bởi các VĐV đẳng cấp cao thế giới đâu phải tay mơ để anh Hòa làm được điều đó!
Nhưng ông Lê Văn Tiết thì lại bảo rằng có. Ông nói: “Dĩ nhiên anh Hòa đâu có xài thường xuyên. Chỉ ở những thời điểm cực kỳ quan trọng mới tung chiêu đó ra thôi. Sau này các đối thủ Nhật Bản, Hong Kong... cũng nghe đồn về chuyện này nên khi thi đấu với anh Hòa, họ thường xuyên đòi kiểm tra bóng trước khi anh Hòa giao. Tôi cho rằng nếu chuyện đó là thật thì cũng không làm lu mờ chút nào tài năng của anh Hòa, bởi đó chỉ là một chút mánh lới trong thể thao thôi mà. Vả lại làm gì có chuyện sử dụng chiêu đó để thắng người ta mãi được”.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của bóng bàn VN là vào tháng 12-1949. Đoàn gồm có Mai Văn Chất (thủ quân), Mai Văn Hòa, Trần Văn Liễu, Trần Quang Nhụy và Phó Đức Huy. Sau nửa tháng cùng tàu Marseillais lênh đênh trên biển, đoàn đã đến Paris ngày 2-1-1950 và thực hiện một chuyến thi đấu tại Pháp và Hà Lan khá thành công. Tiếp đến, đoàn VN dự giải vô địch bóng bàn thế giới, nhưng do mới lần đầu dự giải nên không được thi đấu đồng đội mà chỉ được chơi ở giải đơn, đôi. Tất cả đều lọt qua vòng một, sau đó chỉ còn Chất, Nhụy vào vòng ba nhưng cũng đã dừng bước.
Câu chuyện của “Xí Được”
Trong bộ tam làm nên chiến thắng lẫy lừng của năm 1958, ngoài ông Mai Văn Hòa, nhân vật thứ hai là ông Trần Cảnh Được hiện sinh sống tại San Jose (bang California, Mỹ). Cách đây hai năm, Hội Người Việt tại Cali đã tổ chức mừng thọ ông 70 tuổi.
Lật lại những tư liệu cũ là báo chí thể thao ngày ấy, tôi không khỏi thắc mắc khi trong đội hình tuyển bóng bàn VN dự Asiad 1958 hay Giải vô địch bóng bàn thế giới 1959 tại Dormund (Đức) có tờ viết là Trần Cảnh Đức, có tờ lại viết là Trần Cảnh Được?
Ông Đến - em trai của ông Được - vừa cười vừa kể rõ nguồn cơn chuyện này như sau: “Anh Được có lẽ là VĐV đầu tiên của VN khai man tên đó! Hồi nhỏ, ba tôi cấm chơi bóng bàn. Mà bọn tôi thời đó mê anh em nhà Mai Văn Chất - Mai Văn Hòa dữ lắm. Đã vậy, học ở Trường Tabert mấy thầy cũng dạy chơi bóng bàn nên ghiền luôn. Vì vậy, anh Được không dám đăng ký thi đấu với tên thật vì sợ đến tai ba tôi nên tự đổi tên Được thành Đức”.
Còn ông Được, trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại đã kể cho nghe: “Tôi là dân Hội An, nhưng ông bà cụ thân sinh đã vào Sài Gòn lập nghiệp từ khi bọn tôi chưa ra đời. Có điều mấy anh chị của tôi đều sinh tại Sài Gòn, chỉ mỗi mình tôi sinh tại Hội An. Số là không hiểu sao trước tôi, tất cả mấy người anh đều mất sớm. Vì thế khi mang bầu tôi, hai ông bà thân sinh đã quyết định về sinh tại Hội An rồi gửi cho người bác ruột nuôi đến năm sáu tuổi mới vào lại Sài Gòn. Vì khó khăn như thế nên ông bà cụ mới đặt tên là Xí Được”!
“Xí Được” không thủ tốt như Hòa, không tấn công hay bằng ông Tiết nhưng lại rất đều. Đến độ Bergman - một tay vợt người Anh gốc Áo từng hai lần vô địch thế giới vào cuối thập niên 1940, và không ít lần là bại tướng dưới tay Xí Được - đã phải từng thốt lên: “Được là tay vợt đều nhất mà tôi được biết”!
Thành tích quốc tế của ông Được cũng thật đáng nể: ngoài việc cùng Hòa, Tiết... đoạt HCV Asiad 1958, năm 1953 dự Giải vô địch châu Á tại Tokyo, ông đánh cặp với Mai Văn Hòa và đoạt HCV đôi nam (giải này ông Hòa vô địch đơn). Cặp đôi Hòa - Được ngày ấy khét tiếng thế giới khi một người phòng thủ tốt và một người tấn công giỏi, đặc biệt với cú sở trường bạt trái và rờ-ve đầu vợt. Họ là một đôi bạn thân cả ngoài đời, dù xét về tuổi tác thì ông thua Hòa đến bảy tuổi. Bốn năm sau, cặp Hòa - Được lại một lần nữa đoạt HCV đôi nam châu Á, và cũng giải này họ cùng với Trần Văn Liễu đoạt thêm HCV đồng đội nam. Năm 1959, ông cùng Hòa, Tiết đoạt HCĐ đồng đội nam thế giới. Thành tích cuối cùng của ông là chiếc HCV đồng đội SEAP Games 1959. Điều thú vị là ở giải này, người đồng đội mới của ông là em trai Trần Cảnh Đến.
Ông Nguyễn Thế Hùng - cựu HLV trưởng đội tuyển bóng bàn VN - cho biết hạnh phúc lớn nhất của đời mình là được xem Mai Văn Hòa thi đấu hồi năm 1952 khi ra biểu diễn tại Hải Phòng.
Năm 1990, dự Asiad Bắc Kinh, ông thật sự bàng hoàng khi Đài phát thanh Trung Quốc bình luận về môn bóng bàn ở đấu trường Asiad đã nhắc lại Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Lê Văn Tiết của 32 năm trước với vẻ đầy ngưỡng mộ. Đặc biệt họ ca ngợi Mai Văn Hòa là tay vợt tiêu biểu nhất của lịch sử bóng bàn thế giới về lối đánh phòng thủ.
Nước mắt tuổi 72...
Tôi gọi điện cho ông Được vào khoảng 6g sáng bên Mỹ. Đang còn vẻ ngái ngủ, nhưng giọng ông trở nên thật hoạt bát khi nghe hỏi đến chuyện bóng bàn. Ông hào hứng: “Đã gần nửa thế kỷ rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in chiến thắng năm 1958. Tự hào lắm... Các bạn biết không, có hai câu chuyện mà tôi không bao giờ quên.
Thứ nhất, các bạn có biết đội Nhật tin vào chiến thắng đến mức nào không? Họ chẳng thèm chuẩn bị quốc thiều đội khách khi trao huy chương vì cho rằng không thể có chuyện đó. Thứ hai, ngày hôm sau ra phố, người dân Tokyo gặp ai mà họ nghĩ là người Việt cũng đều chặn lại xin chữ ký. Đến độ nhiều VĐV nước khác khi được chặn lại cũng nhận mình là người VN để tặng chữ ký (cười)”.
+ Nghe nói cũng nhờ bóng bàn mà ông có một mối tình đẹp với một thiếu nữ Hà Nội?
- Đúng vậy, năm 1952, ĐKVĐ châu Á Tiết Thủy Sơ (Hong Kong) cùng Fujii (Nhật - hai lần vô địch thế giới) cùng sang Sài Gòn thi đấu. Sau đó tất cả chúng tôi cùng ra thi đấu biểu diễn ở Hải Phòng, Hà Nội. Tại Hà Nội, tôi đã quen với Kim Chi lúc ấy là ca sĩ với tên Thùy Dương. Năm 1953 cô ấy vào Sài Gòn và chúng tôi đã cưới nhau (bà Chi hiện đã mất - NV).
+ Cuộc sống của ông giờ đây có còn chỗ nào cho bóng bàn?
- Ôi, ở đất Mỹ này người ta không thích môn thể thao nhẹ nhàng như bóng bàn. Họ chỉ thích những môn gì mạnh bạo, bạo lực và kiếm ra tiền thôi. Nhiều lúc ghiền quá thì cũng đi qua nước này nước nọ để xem mấy giải có tiếng tăm.
Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại xen vào những tiếng sụt sịt. Giọng ông Được trầm hẳn đi: “Tôi không ngờ đã gần nửa thế kỷ rồi mà các bạn vẫn còn nhớ đến chúng tôi. Cảm động lắm... Cảm động lắm...”.
+++
Thật thú vị, các siêu sao bóng bàn VN đều không có ai đơn lẻ cả. Như nhà họ Mai, bên cạnh Hòa là Chất; nhà họ Trần thì sau Được là Đến; nhưng nói về gia đình thì chẳng có ai qua được nhà họ Lê, mở đầu là Lê Văn Tiết - người mà ngay cả báo chí nước ngoài cũng phải xưng tụng là một “kỳ quan”...
HUY THỌ.