Bài 2: Hai loại gai và chiến thuật thi đấu liên quan.
Về bản chất chung, gai (tấn công) chỉ “giữ” bóng khi tiếp xúc và đàn hồi trở ra chứ không lăn và tạo xoáy như mút thường. Đặc điểm này làm cho mút gai khó chơi được ở cự ly xa vì thiếu độ bám để tạo xoáy lên – yếu tố cần thiết nhất để bóng đi cắm vào bàn từ xa, nhưng ngược lại, lại là yếu tố giúp cho gai trở thành nhà vô địch đối với bóng trong bàn, đặc biệt là ưu thế rõ rệt đối với bóng xoáy xuống. Trong khi mút thường cần động tác dài và phức tạp hơn để thỏa mãn yếu tố kỹ thuật của vùng lăn bóng khi thực hiện xử lý bóng với khoảng không gian hẹp (bóng trong bàn), thì chỉ với một cú lắc hoặc xoay cổ tay, các loại gai lại dễ dàng thay đổi hướng đánh của bóng và buộc đối phương phải lâm vào thế đôi công ôm bàn (hoặc bị đẩy ra khỏi bàn một cách bị động), vốn là chiến thuật sở trường chủ yếu của gai. Vì vậy, không có gì lạ khi người chơi gai lâu ngày sẽ có được kỹ thuật cổ tay lắc léo trong bàn cực kỳ hiệu quả dù lực đánh có bị hạn chế vì không tạo đủ độ xoáy (lên) cần thiết để có thể phát lực tối đa. Yếu tố giữ bóng tạo ưu thế nêu trên là yếu tố chung của mọi loại gai, tuy nhiên chiến lược thi đấu của các loại gai lại rất đa dạng do ảnh hưởng trực tiếp của cấu tạo gai. Do đó, nghiên cứu về tính năng của mỗi loại cũng giúp người chơi định hình được chiến lược, bài tập tương ứng và cả thời gian, tiền bạc để chơi “thử nghiệm”.
Hiện nay trên thị trường mua bán, có rất nhiều loại mút gai với chất liệu, cấu tạo đa dạng và phong phú đến nổi làm “nhức đầu” người chơi, bởi lẽ đương nhiên là người đi mua cần mua loại mút phù hợp với ý thích và thể hình của mình, vì không phải ai cũng có điều kiện về tài chính hoặc ý thích “đánh cho biết”. Bên cạnh đó còn là nỗi băn khoăn về tính năng của loại mút vừa mua rằng mình đã thực sự hiểu hết và áp dụng kỹ thuật tương ứng với nó có đúng hay không. Việc xem xét bản chất từng loại gai trên phải bắt đầu từ vị trí hình học của mút, vì thực tế, chỉ có hai loại gai cơ bản làm nên sự khác biệt giữa chúng: gai ngang và gai xuôi. Các loại lót đa dạng cũng chỉ làm nên sự khác biệt giữa mỗi loại (giảm hay tăng tính năng cơ bản), chứ không làm thay đổi bản chất của hai loại này.
Tên gọi gai ngang và xuôi là do tác giả tự đặt ra từ lâu vì chưa có cách gọi thống nhất, hiện nay có người phân biệt chúng bằng tên gọi gai dọc và gai ngang. Sự thay đổi này, dĩ nhiên, không làm thay đổi bản chất của hai loại gai cơ bản này, nhưng cũng cần biết trong trường hợp trao đổi kỹ thuật hoặc cách gọi của người mua bán.
Ngắn gọn nhất, khi để vợt đứng với phần cán ở dưới, gai xuôi sẽ là một hình thoi nằm - theo vị trí của các gai, gai ngang là hình thoi đứng. Chính sự thay đổi vị trí hình học này làm thay đổi độ “cứng” chung của mặt gai, làm cho gai xuôi có tính chất xoáy như các loại mút thông thường, còn gai ngang lại có tính năng như loại mút phản xoáy nhẹ. Do vậy, chiến lược và chiến thuật của hai loại này cũng khác nhau hoàn toàn từ kỹ thuật, tốc độ đến cự ly đối với bàn.
Với gai xuôi, tác động về xoáy giống như của mút thường do “cứng” hơn nên có thể bật trả ngược xoáy lên, tương đương với trường hợp của mút thường đối với xoáy lên, dù mức độ tạo xoáy của gai là có kém hơn mút thường. Do dễ dàng tạo được xoáy lên hơn gai ngang, gai xuôi cho phép người chơi tận dụng được tốc độ của lực trực tiếp để chơi bóng tốc độ, và có thể xử lý được bóng ở đỉnh cao nhất và hơi rơi xuống, do đó, có thể chơi ở cự ly trung bình hơn gai ngang, vốn chỉ xử lý được ở giai đoạn bóng đang lên mà thôi. Đặc biệt, cũng do tính năng dễ tạo được xoáy lên, gai xuôi dễ dàng dứt điểm khi giải quyết bóng không lực của đối phương, điều mà gai ngang khó xử lý hơn và phải chơi ôm bàn để tận dụng được động lực của bóng vừa nhận được sau khi chạm mặt bàn. Về kỹ thuật động tác, tính năng này còn cho phép gai xuôi thực hiện được động tác mà nhiều người còn tranh cãi, đó là giật, vì thật ra, động tác này vừa mang màu sắc của giật vừa mang màu sắc của đẩy là do đánh theo tính năng tạo xoáy lên của gai. Ngoài ra, gai xuôi còn tận dụng được tính “cứng” hơn của mình để thực hiện dễ dàng cú giật bóng xoáy xuống của đối phương, và đây cũng là sự khác biệt cơ bản giữa hai loại gai này.
Với gai ngang, tuy có những bất lợi hơn do tính “mềm” hơn của mình nhưng trên thực tế, lại hiệu quả về thành tích hơn gai xuôi do tính năng mang hơi hướng mút phản xoáy. Đối với người kỵ gai, việc đối phó với gai xuôi xem ra dễ dàng hơn vì gần giống với mút thường, và thật sự không xử lý được bóng “chuồi chuội” của gai ngang khi hai bên vào thế đôi công. Do đó, gai ngang cũng được coi là nhà vô địch của thế đôi công ôm bàn, khi đối phương phải liên tục nâng bóng lên để chịu cú bạt sau đó, nếu không muốn chận đẩy vào lưới với động tác thông thường. Với bóng không lực vốn rất khó chịu với mình, người chơi gai ngang có thể hạn chế tối đa bất lợi này bằng chiến thuật có lợi: né người để giật bóng không lực. Điều này làm các trận đấu của gai ngang với mút thường ở đẳng cấp quốc tế là cực kỳ phức tạp và lý thú khi hai bên liên tục phải thay đổi chiến thuật để hạn chế (và khai thác) yếu điểm này của gai ngang. Về kỹ thuật động tác, do tính năng ít tạo được xoáy lên, cú bạt bóng xoáy xuống của gai ngang phải tuân theo nguyên tắc lợi dụng độ xoáy xuống của đối phương để tạo độ cắm của bóng khi bạt. Cụ thể là với bóng xoáy xuống càng nhiều, lực bạt càng tăng lên và ngược lại. Và cũng do tính năng khó chịu nhưng khó dứt điểm của mình, người chơi gai ngang cần có FH tốt và thường xuyên né người để tấn công. Điều này càng làm tăng thêm độ “khó chịu” của đối phương khi phải đối phó với 2 mặt trái phải mà tính năng trái ngược nhau.
Phân tích trên cũng nhằm giúp người chơi mút gai hiểu rõ hơn ưu và lợi thế của mình và từ đó xác định lối chơi cùng cách tập luyện tương ứng. Riêng với các động tác cụ thể của người chơi mút gai, tác giả xin phép không đề cập trong khuôn khổ bài viết này, bởi lẽ, để thực hiện thành công kỹ thuật đánh bóng, người chơi BB nói chung phải cần đến lý thuyết về độ nảy của bóng, từ đó mới áp dụng được thành công động tác tay, cho dù là mặt gai có được thuận lợi khi không phải lệ thuộc vào nguyên tắc lăn bóng của mút thường.
(Phần sau: Cốt vợt và lớp lót cho gai)