Phần 1:
Bài phỏng vấn này diễn ra sau giải Quatar mở rộng, được dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh và đăng trên tạp chí Thế giới bóng bàn số tháng 5 - 6 năm 2002. Phóng viên hỏi Lưu Quốc Lượng (nay là HLV đội tuyển bóng bàn nam Trung Quốc) một số lời khuyên có thể giúp ích cho người chơi bóng bàn nghiệp dư.
PV: Nếu anh gặp một đối thủ chưa từng thi đấu trước đó, làm cách nào anh có thể tìm ra điểm yếu của người đó một cách nhanh nhất?
LQL: Trước hết nhìn qua cốt vợt, mặt vợt mà anh ta dùng, xem là mặt thường hay gai ngắn, gai dài, cầm vợt ngang hay vợt dọc, thuận tay phải hay tay trái. Cứ nghĩ trong đầu là đối thủ cũng không xa lạ lắm với lối chơi của mình. Nên chơi theo sở trường của bạn, thực hiện những gì mà bạn thường làm tốt. Bạn có thể giành thế chủ động và ngày càng dễ dàng nhận thấy những điểm yếu của đối thủ. Nếu chơi thụ động thì lúc đọc được vị của đối thủ cũng là lúc bạn đã sắp thua đến nơi! Quan sát lối chơi của đối thủ, mọi rơ đánh đều có những điểm yếu của nó. Vì thế có những phương pháp cơ bản để đối phó với mọi lối chơi, và đó là điểm khởi đầu. Những người chơi tay trái thường không thích di chuyển hai bên, mọi đối thủ tay trái đều ngán chiến thuật này, và đó là điều bạn nên áp dụng. Một số người thuận tay trái chơi tốt hơn. Nếu bạn điều bóng phía thuận tay của anh ta và anh ta mạnh ở phía đó, thì có khả năng anh ta sẽ yếu hơn bên trái tay. Nếu bên thuận tay của anh ta không thực sự mạnh, nhưng quả trái tay lại rất nhanh với khả năng điều điểm rơi tuyệt vời thì bên trái là sở trường của anh ta.
Bây giờ nói về những người chơi tay phải cầm vợt ngang. Nhìn chung những rơ này xử lý bóng ngắn không được tốt lắm. Đặc biệt là đối với những quả đặt nhẹ vào giữa bàn bên thuận tay. Họ yếu hơn những người cầm vợt thìa về điểm này. Vì thế đây là nơi mà bạn nên khai thác để tạo cơ hội. Trong những pha đối bóng giữa tay thuận với nhau, lối đánh thường là chéo bàn với chéo bàn. Khi bạn chơi trái tay với trái tay mà vẫn cảm thấy duy trì được thì chứng tỏ đối thủ yếu hơn bên trái tay. Còn nếu bạn cảm thấy mình đang phải nỗ lực thì nên điều bóng vào giữa bàn hoặc bên thuận tay của anh ta.
Những người cầm vợt dọc thường bộc lộ điểm yếu khi bóng di chuyển rộng ra bên trái tay của họ, vì thế họ thường sợ khi bóng di chuyển điểm rơi từ phía thuận tay sang trái tay. Nhìn chung, cố gắng thực hiện những gì bạn thường làm tốt và thử đối thủ của mình bằng cách đó.
PV: Anh quyết định như thế nào khi chọn quả giao bóng?
LQL: Nếu bạn không còn xa lạ với đối thủ thì nên chọn những quả giao bóng hiệu quả nhất. Chẳng hạn bạn có một quả giao xoáy ngang tốt, thì đó là quả bạn nên sử dụng đầu tiên. Nếu bạn giao bóng xoáy ngang và thấy rằng mình gặp khó khăn khi tấn công hoặc giành lợi thế thì bạn nên thử quả giao bóng xoáy/ không xoáy, hoặc quả giao bóng trái tay. Một số người có khả năng đỡ giao bóng xoáy ngang rất tốt, nhưng lại yếu khi đỡ giao bóng xoáy/ không xoáy. Vì vậy, dù quả giao bóng tốt nhất của bạn là xoáy ngang nhưng đối thủ rất giỏi trong việc đỡ giao bóng quả đó, có lẽ anh ta sẽ yếu hơn khi trả một quả giao bóng khác. Mặc dù đó có thể không phải là quả giao bóng tốt nhất của bạn.
PV: Anh thường giao bóng xoáy lên/ xoáy xuống, không có nhiều quả xoáy/ không xoáy, đúng không?
LQL: Đúng thế, Mã Lâm sử dụng quả giao bóng xoáy/ không xoáy nhiều hơn tôi. Bởi chúng tôi có lối đánh khác nhau. Mã Lâm mạnh hơn với việc tạo quả tấn công thuận tay, và anh ấy cũng có bộ chân tốt hơn. Thông thường khi bạn giao bóng xoáy/ không xoáy, quả đỡ giao bóng thường không tốt lắm, vì vậy dễ tấn công. Lối chơi của tôi lại "ác" hơn vì quả giao bóng xoáy ngang của tôi cực xoáy. Đối thủ phải rất cẩn thận khi đỡ giao bóng. Tôi kiếm nhiều điểm trực tiếp từ giao bóng. Nhưng nếu đối thủ bắt bài được thì tôi rất khó khăn khi tạo quả tấn công
(Còn tiếp)