Trong quá trình lang thang chơi bóng ở các CLB, mình biết một số cháu nhỏ (từ 6-7 đến 16-17 tuổi) là năng khiếu của các tuyến quận và TP. Các cháu này đa số là con của những "đồng nghiệp" BB phong trào, một số ít thì bố mẹ hầu như ko biết gì về BB, chỉ làm chân đưa đón và khoán hết cho Thầy. Và mình đã được chứng kiến nhiều cháu tập luyện với các Thầy chuyên nghiệp thuộc diện cây đa cây đề hoặc các Thầy trẻ của làng BB TPHCM. Mỗi cháu mỗi vẻ, và ngay cả ...phụ huynh của các bé cũng ...mỗi bác mỗi vẻ (hihi !!) khi đưa con đi học BB hoặc qua cái cách nói chuyện với con khi "hướng" cho các con theo nghiệp BB.
Trước hết là nói về các bé:
- Có bé thì rất "máu", dù chỉ học theo sự hướng dẫn của bố, hoặc đến học ở trung tâm TDTT quận mà ko thuê thầy riêng. Bố bé này hay đưa con đi các CLB và mời bác bác, chú, anh, chị giao đấu với bé để bé "va chạm" và học hỏi. Mỗi lần như vậy, phụ huynh của bé đứng ngoài xem và "chỉ đạo" cho bé qua từng tình huống thành công hay hỏng bóng. Bé này rất chịu khó tập và không "nề hà" gặp bất cứ bác, chú, anh, chị lớn tuổi nào hay trình cỡ nào. Bé có "đặc điểm" là rất "nghiêm khắc với bản thân", mỗi khi đánh hỏng 1 đường bóng là bé tỏ ra rất tiếc, và nhăn nhó tự trách mình, nhìn như ... người lớn. Mỗi khi đánh hỏng bóng, bé lại quay ra nhìn bố nửa như cầu cứu, nửa như sợ bố trách mắng... Với bé này, nhiều người nhận xét là sẽ tiến nhanh, nhất là nếu có được Thầy giỏi kèm riêng, rèn dũa cho bé. Tuy nhiên có người cho rằng phụ huynh đặt áp lực với bé quá lớn nên dường như làm cho bé mất đi cái hồn nhiên của trẻ thơ (bé mới chỉ 7-8 tuổi gì đó).
- Có bé thì học BB với Thầy rất nổi tiếng, nhưng nhìn ngoài vào giống như là bé học BB cho ...ba mẹ (!?). Nhìn thái độ trong khi tập, cách bé nghe thầy giảng giải về kỹ thuật một cách chểnh mảng, và cách bé thể hiện khi đánh hỏng bóng hay đánh bóng tốt ...đủ biết bé chả "tha thiết" lắm chuyện học BB. Có lần còn nghe 2 mẹ con bé này nói chuyện với nhau và bé "làm" 1 câu : " Tại mẹ bắt con học chứ con có thích đâu" (!!!). Bé này học khá lâu rồi và giờ nghe nói đã chuyển sang chơi ...tenniss.
- Có bé thì bố trực tiếp kèm cặp vì bố là cao thủ. Các bé này tập luyện chăm chỉ (có lẽ một phần cũng vì bố là Thầy nên cũng ..."sợ" hơn) và lên tay rất nhanh. Thậm chí có bé còn được các hãng dụng cụ BB tài trợ cho trang thiết bị (phông, mút, trang phục...) để tập luyện và thi đấu.
- Đa số các bé đang là năng khiếu BB (mà NTBB chứng kiến) có thái độ học tập và thi đấu rất khiêm tốn và cầu thị. Tuy thế cũng có đôi khi NTBB thấy có bé tỏ thái độ "ngôi sao" trong tập luyện (với nhau) và trong thi đấu các giải (giải phong trào của người lớn mà các cháu được mời tham gia, hoặc phụ huynh xin cho các cháu tham gia để cọ xát).
Về Người Lớn ( ở đây NTBB muốn nói đến các Thầy dạy BB và phụ huynh của các bé):
- Đa số các Thầy dạy các bé rất kỹ lưỡng (NTBB chỉ chứng kiến các trường hợp dạy tư, 1 Thầy 1 trò, chứ chưa được xem một buổi tập của các lớp năng khiếu ở các Trung tâm đào tạo chuyên nghiệp, nên chỉ dám kể chuyện về các trường hợp này thôi). Về chuyên môn thì NTBB không dám có ý kiến gì, vì đó là nghề của các Thầy. Mà NTBB chỉ đề cập đến "quan hệ Thầy Trò" khi chứng kiến những trao đổi giữa Thầy với trò trong các buổi tập thôi. Có Thầy thì nhỏ nhẹ, điềm đạm; có Thầy thì hơi nóng tính, la mắng gay gắt... nhưng hầu như tất cả các Thầy dù là mềm mỏng hay nóng nảy đều thể hiện mong muốn học trò tiếp thu bài và tiến bộ. Tuy thế có 1 đôi lần, NTBB nghe được câu nói :"Học thế thì học làm gì, tốn tiền của bố mẹ" (!?), hoặc "học thế thì 10 năm nữa cũng không xong"... và NTBB thấy tội nghiệp cho cháu bé khi làm ko được những kỹ thuật thầy dạy.
- Bé nào có phụ huynh biết chơi BB thường thuận lợi hơn khi đi học BB. Tuy nhiên đôi khi đó cũng là áp lực cho bé, thậm chí có lần NTBB và nhiều người chứng kiến 1 bé bị phụ huynh la mắng nặng lời và bé đã vừa tập vừa khóc. Có một số trường hợp mẹ/ bố chả biết gì về BB, được bố/mẹ "giao nhiệm vụ" chở con đến chở con về, lo ăn uống, lo đóng học phí cho Thầy ...thì các phụ huynh này thường rất "vô tư", vui vẻ và cực kỳ ...o bế Thầy (hi hi !!), và với con thì các bà mẹ/ông bố này luôn nhẹ nhàng : "Con phải nghe lời Thầy, cố gắng lên con...". Khi các con tập luyện hoặc thi đấu thì các phụ huynh này chỉ biết lau mồ hôi, quạt mát và tiếp nước cho con, chả bao giờ la mắng con về ...kỹ thuật, vì "em chả biết gì về BB, anh ạ".
....NTBB kể "tào lao" các chuyện mà mình chứng kiến này để thấy rằng, với các em nhỏ, để hướng các em vào một môn thể thao nói chung và BB nói riêng (dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư) thật không đơn giản. Chúng ta phải quan tâm đến rất nhiều khía cạnh, và đương nhiên - theo NTBB nghĩ - trước hết là người lớn phải làm sao gieo vào các em sự ham thích, rồi sự say mê (nhưng nếu "cay cú" quá thì có nên???), từ đó chăm chỉ luyện tập. Điều quan trọng là đừng để các bé mắc bệnh "ngôi sao" - dù có thể có bé đã có thành tích đáng kể. Bác Trần Cảnh Đến, một danh thủ BB của VN những năm 60 thế kỷ trước, đã từng được xếp hạng 28 thế giới nhắc lại khẩu quyết thành công trong sự nghiệp BB của bác là : "Trong một trận đấu, tôi tâm niệm 2 điều: một là tìm mọi cách đưa bóng sang bàn đối phương; và hai là luôn nghĩ đối thủ giỏi hơn mình" - Điều này thật ý nghĩa với chúng ta, những "con chiên" của môn pingpong giáo.