Cơ bản với Richard Prauce - HLV trưởng đội tuyển Đức

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 1: Vị trí cơ bản

Huấn luyện viên quốc gia Đức Richard Prause sẽ bắt đầu loạt các khái niệm mới trên khía cạnh thực tế. Chủ đề đầu tiên là vị trí cơ bản. Ông sẽ cố gắng đưa ra một số lời khuyên hữu ích, dễ học cho tất cả những VĐV nào quan tâm để cải thiện trận đấu của họ. Cựu VĐV quốc gia Đức này đã làm việc cho Hiệp hội Bóng bàn Đức với cương vị là một huấn luyện viên quốc gia trong mười năm. Từ năm 2004, ông đã là huấn luyện viên trưởng của đội bóng bàn nam. Timo Boll không chỉ là một trong những VĐV của Richard Prause mà còn có một mối quan hệ gần gũi với ông ta. Trong phần đầu tiên của loạt bài mới, Richard sẽ chỉ ra những yếu tố quan trọng của vị trí cơ bản. Hãy vui vẻ với Richard Prause và các lời khuyên của ông.

Vị trí cơ bản rất có tính cá nhân. Có một số cầu thủ như Timo Boll đứng rất thấp, những người khác đứng rất xa về phía bên trái tay và những người khác nữa thì lại đứng ở giữa bàn. Tuy nhiên có một số điểm cơ bản mà mỗi VĐV nên chú ý đến.

Hãy chú ý đến những điểm sau đây.

• Đặt 2 chân của bạn cách nhau rộng bằng vai.
• Cong đầu gối của bạn để bạn có thể tạo ra sức căng. Giữ lưng thẳng.
• Cong phần trên cơ thể của bạn về phía trước một chút.
• Đứng hơi thẳng góc với bàn mở về phía thuận tay.

Vị trí của tôi ở đâu? (Hình 1)

H-1.jpg


Cách cầm vợt của tôi ở vị trí cơ bản? (Hình ảnh 1, 2 và 3)

Giữ vợt của bạn ở phía trước cơ thể của bạn ở một vị trí trung tâm để bạn có thể xoay trở một cách nhanh chóng với cú đánh thuận tay và trái tay của bạn. Đây là vị trí trung lập. Vợt thẳng và đầu vợt chỉ về phía trước.

Quan trọng: Giữ vợt của bạn ở trên bàn để bạn cũng có thể đánh trả những cú giao bóng ngắn.

H-2.jpg


H-3.jpg


Vị trí cơ bản của tôi? (Hình ảnh 2, 3, 4, 5a-c)

Tại châu Âu, bạn thường thấy rằng hầu hết các VĐV đứng ở phía bên trái tay bởi vì họ thích những quả đánh thuận tay hơn. Nếu bạn là một cầu thủ thuận tay trái, bạn thường đứng ở nửa bên phải của bàn và VĐV thuận tay phải thường đứng sang bên trái. Vị trí này là hoàn toàn tự nhiên bởi vì bạn sẽ bao quát được phần lớn hơn của bàn với cú đánh thuận tay của bạn. Tất nhiên có những lựa chọn khác cho việc chọn vị trí cơ bản này.

Người chơi đứng ở cuối một phần ba của bàn phía trái tay nhằm trả bóng bằng cú thuận tay xa (ảnh 4). Đây là vị trí ưa thích của những VĐV có ưu thế đánh thuận tay xa.

H-4.jpg


H-5a.jpg


Có những VĐV như Dimitrij Ovtcharov, người đứng tương đối trung tâm bàn để bao quát một phần lớn hơn của bàn với cú đánh trái tay nguy hiểm của mình (5a, 5b, 5c). Anh ta là hướng nhiều hơn về phía giữa bàn để sử dụng cú trái tay nguy hiểm của mình. Vị trí này là tùy thuộc vào đối thủ và các quả giao bóng của họ. Nó có thể thay đổi.

H-5b.jpg


H-5c.jpg


Khoảng cách (đến bàn) nào mà tôi cần có ở vị trí cơ bản? (Hình 6)

Khi bạn chỉ cánh tay của bạn từ vị trí đang đứng thẳng về phía trước, bạn có thể biết được về khoảng cách này. Đây không phải là nói về khoảng cách chính xác đến cm, mà nói đến một nguyên tắc gần đúng. Khi bạn đứng quá gần bàn, bạn có thể bị bất ngờ bởi một cú giao bóng dài, nếu bạn đứng quá xa thì các cú giao bóng ngắn có thể gây nguy hiểm.

H-6.jpg


(Hết phần 1)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 2: Cách cầm vợt

Tôi nên cầm vợt như thế nào?

Cầm vợt thoải mái giữa ngón cái và ngón trỏ (hình 1). Ba ngón tay còn lại ôm quanh cán vợt (hình 2). Cổ tay ở vị trí cơ bản tự nhiên của nó (đường đỏ trên hình ảnh 1), có nghĩa là không uốn cong lên trên, mà cũng không xuống dưới. Đầu vợt hơi chỉ lên trên chút ít (hình 1). Đó là kiểu cầm vợt cơ bản hoặc trung lập. Tất cả mọi người bắt đầu chơi bóng bàn nên bắt đầu như thế này. Điều này cũng áp dụng cho các VĐV đang tập chơi và các cầu thủ nghiệp dư hàng đầu bởi vì về cơ bản bạn có thể chơi tất cả những cú đánh khác nhau mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Ở cấp độ cao nhất, các VĐV bắt đầu thay đổi giữa kiểu cầm vợt thuận tay và kiểu cầm vợt trái tay cách đây 10-15 năm.

P2 - H1.jpg


P2 - H2.jpg


Tôi có nên thay đổi kiểu cầm vợt trong khi chơi bóng? Tại sao tôi cần phải thay đổi?

Điều này chắc chắn là tùy thuộc vào trình độ của bạn và vào khối lượng tập luyện của bạn. Kiểu cầm vợt cần được thay đổi rất mau lẹ và điều đó là không hoàn toàn dễ dàng, nếu không đưa ra sự phán đoán tốt nhất nhằm thực hiện các kỹ thuật khác nhau. Tất cả các VĐV hàng đầu đều thay đổi cách cầm vợt của họ một cách thường xuyên. Chúng ta nói về kiểu cầm vợt thuận tay và trái tay. Hình 3-5 cho bạn thấy có sự khác biệt. Hình 3 thể hiện vị trí trung gian được đề cập ở trên. Nếu bạn tưởng tượng bề mặt của vợt như là một phần mở rộng của bàn tay thì mặt phẳng của cả hai cần phải song song và vợt ở vị trí thẳng (đường chấm chấm, hình 3). Bây giờ bạn sẽ thay đổi kiểu cầm khi bạn sẽ có hai khả năng. Bạn thay đổi theo kiểu cầm trái tay hoặc kiểu cầm thuận tay. Với kiểu cầm trái tay, vợt quay vào bên trong một chút. Điều này dẫn đến góc thuận lợi hơn cho các kỹ thuật đánh trái tay và sử dụng thêm cổ tay (hình 4). Với kiểu cầm thuận tay, thì ngược lại. Lúc này vợt được mở ra ngoài. Một lần nữa bạn sẽ có được một góc độ tốt hơn và cơ hội cho sự chuyển động cổ tay tốt hơn cho các kỹ thuật đánh các cú thuận tay. Việc bạn thay đổi góc vợt đi bao nhiêu là hoàn toàn mang tính cá nhân. Có một thực tế là Timo Boll, Dimitrij Ovtcharov và Christian Suess (tất cả các VĐV quốc gia Đức) và tất cả các ngôi sao quốc tế khác đều thay đổi kiểu cầm vợt của họ thường xuyên và với các góc độ vợt tối ưu cho kỹ thuật đánh thuận tay và trái tay. Toàn bộ các thay đổi này xảy ra trong các loạt đánh bóng qua lại rất nhanh. Sự thay đổi cách cầm vợt đã trở thành tiêu chuẩn. Điều đó khác nhiều so với mười lăm, hai mươi năm trước đây. Các VĐV hàng đầu tại thời điểm đó chắc chắn không phải là những VĐV tồi, chẳng qua họ ưa thích một kiểu cầm vợt: hoặc trái tay, hoặc thuận tay hoặc kiểu trung gian. Theo đó, họ được gọi là các chuyên gia đánh trái tay, đánh thuận tay hoặc toàn diện. Họ đã không thay đổi kiểu cầm vợt của họ trong các loạt đánh bóng qua lại.

P2 - H3-H4.jpg



P2 - H5.jpg


Khi nào thì tôi nên bắt đầu thay đổi kiểu cầm vợt?

Nếu bạn còn trẻ và muốn tiến lên hàng đầu thì bạn nên tìm hiểu nó càng sớm càng tốt và thực hành nó thật nhiều. Vẫn có thể học được ở giai đoạn sau. Đó là một đòi hỏi về động cơ và sự tập luyện. Hình 6 cho bạn thấy làm thế nào để bạn có thể thử các kiểu cầm vợt khác nhau sao cho bạn có thể cảm thấy nó là kiểu của mình. Hãy thay đổi kiểu cầm của bạn một lần là kiểu thuận tay và một lần là kiểu trái tay và quan sát kỹ những gì đang thay đổi.
Hãy thử các cú đánh khác nhau với cả hai kiểu cầm vợt để cảm nhận những lợi thế của sự thay đổi kiểu cầm với chính mình.

P2 - H6.jpg


Trong phần cơ bản tiếp theo, Richard Prause sẽ trả lời câu hỏi cầm vợt kiểu nào là đúng và kiểu nào là sai. Ông sẽ chỉ ra tầm quan trọng của ngón tay cái và ngón trỏ.


(Hết phần 2)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 3: Cách cầm vợt (tiếp)

Nói về "đúng", "sai" của ngón tay cái và ngón trỏ

Điều thú vị khi nói về bóng bàn là không có cái gì đúng tuyệt đối và cũng không có cái gì hoàn toàn sai. Điều quan trọng là bạn có khả năng để thực hiện tất cả các kỹ thuật đánh bóng một cách tối ưu sao cho chúng không giới hạn năng lực cuối cùng của bạn. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc cầm vợt. Không có khái niệm cầm vợt đúng hay sai. Tuy nhiên, có những kiểu cầm làm hạn chế hiệu quả và việc thực hiện một số kỹ thuật nào đó. Đây tất nhiên không phải là việc khuyến khích. Có một số cầu thủ hàng đầu, những người thích kiểu cầm khá bất lợi và còn ra rất xa (cầm gần đuôi cán – ND). Lý do cho điều này là việc cầm vợt có vẻ bất lợi như vậy vẫn cho họ một lợi thế. Hãy lấy ví dụ như kiểu cầm vợt thấp của cầu thủ người Pháp Patrick Chila.

Hình 7a thể hiện kiểu cầm vợt trung gian. Trên hình 7b bạn có thể thấy sự khác biệt: anh ta cầm vợt thấp hơn rõ ràng. Kiểu cầm này là rất tốt cho cú hất, nhưng lại gây khó khăn đối với việc điều khiển cú chặn.

Part 3 - H 7a.jpg


Part 3 - H 7b.jpg


Một VĐV người Pháp khác của hãng Butterfly là Christophe Legout, lại đặt ngón tay thứ hai lên phía mặt sau của vợt (Hình 8a và 8b). Ngón tay thứ hai trên bề mặt vợt làm cho cú đánh xoáy lên trái tay rất khó khăn vì việc xoay của cổ tay khi đánh cú xoáy lên trái tay gần như là không thể do sức căng của các dây chằng ở cả hai ngón tay. Tuy thế, kiểu cầm vợt này là một lợi thế đối với cú đánh thuận tay bởi vì bạn có thể tăng cường lực ép và cảm giác. Đây chỉ là hai ví dụ sai lệch cá nhân, mà bạn có thể nhìn thấy ngay cả trong các CLB thấp hơn. Nói chung tôi không khuyến khích các kiểu cầm vợt khác (so với kiểu cơ bản – ND) bởi vì chúng thường có nhiều bất lợi hơn là thuận lợi.

Part 3 - H 8a.jpg


Part 3 - H 8b.jpg


Ngón tay cái nên đặt ở đâu trên mặt thuận tay và vị trí của ngón tay cái đóng vai trò gì?

Ngón tay cái rất quan trọng. Nó tạo ra điểm đặt áp lực, tác động đến các cú đánh trái tay. Bằng cách nhấn ngón tay cái xuống, bạn có thể tạo ra sự xoay bổ sung cho cú trái tay và khép vợt dễ dàng hơn (hình 9a). Cuối cùng, vị trí của ngón tay cái là rất cá nhân. Các VĐV, những người thích chơi với những cú đánh thuận tay của họ thì ngón tay cái hoặc hoàn toàn không đặt, hoặc chỉ đặt lên rất ít trên bề mặt vợt (hình 9b). Các VĐV có nhiều ưu thế với các cú đánh trái tay lại thích đặt ngón tay cái trên mặt vợt để thực hiện các cú đánh trái tay được tốt hơn (hình 9c). Vì vậy, bạn có thể quan sát thấy sự thay đổi vị trí của ngón tay cái khi đánh cú trái tay và cú thuận tay.



Part 3 - H 9b.jpg


Part 3 - H 9c.jpg


Ngón tay trỏ nên đặt ở đâu trên mặt trái của vợt và lệch bao nhiêu là vừa?

Ngón tay trỏ cần đặt trên phần mút và giữ ổn định sự chuyển động của cú đánh như là một điểm áp lực đối diện với ngón tay cái. Hình 10a cho thấy vị trí tối ưu (của ngón trỏ - ND). Ngón trỏ không nên trượt xuống quá xa về phía mép vợt (Hình 10b) hoặc dịch lên quá xa về phía giữa vợt (hình 10c).

Part 3 - H 10a.jpg


Part 3 - H 10b.jpg


Part 3 - H 10c.jpg


(Hết phần 3)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 4: Cầm vợt trong khi giao bóng

Tại sao phải có ý thức thoát khỏi cái cán vợt khi giao bóng thuận tay?

Tầm quan trọng của cú giao bóng nói chung là gì?
Cú giao bóng có ý nghĩa rất cơ bản. Đây là cú đánh duy nhất không bị ảnh hưởng bởi đối thủ. Bất cứ đường bóng nào khác, bạn đều chịu ảnh hưởng bởi đối thủ của bạn. Điều quan trọng, là bạn có thể thực hiện cú giao bóng của riêng bạn. Thông thường đối với mỗi kỹ thuật đánh bóng khác, người chơi có chủ đích nhận được sự trả bóng khác nhau. Phải thừa nhận rằng, cú giao bóng là không được thực hành nhiều, mặc dù nó có thể có ảnh hưởng rất lớn trận đấu của mỗi người. Điều này cũng đúng đối với các VĐV hàng đầu cũng như các VDV trình độ trung bình và thấp hơn. Loại thứ hai (VDV trung bình và thấp - ND) thường đánh giá thấp hiệu quả của cú giao bóng.

Các khía cạnh quan trọng của cú giao bóng là gì?
Khía cạnh có tác dụng quyết định là việc cầm vợt trong khi giao bóng. Vợt cần phải có độ linh hoạt tối đa. Vì vậy, ta phải thay đổi kiểu cầm đặc biệt đối với cú giao bóng nhằm đạt được một sự linh hoạt lý tưởng của cổ tay. Ngoài ra, một khía cạnh khác là vị trí của cơ thể ở phía trước bàn trong khi giao bóng. Ví dụ, Những người thiên về chơi tấn công thuận tay - như phần lớn các cầu thủ - tự họ chọn vị trí sao cho có thể sử dụng cú đánh mạnh nhất của họ sau quả giao bóng. Khía cạnh thứ ba là làm thế nào để tung bóng lên cao và tung cao bao nhiêu. Giao bóng là một cú đánh rất sáng tạo chỉ bị hạn chế khi tự mình không quan tâm phát triển nó. Trên thực tế, đó là một điều tuyệt vời để thấy đâu là những cải tiến sáng tạo cú giao bóng của bạn mà bạn có thể đạt được, nếu bạn quan tâm đến nó hơn nữa. Mọi người đều có thể cải thiện quả giao bóng của mình nếu họ muốn.

Nên cầm vợt như thế nào trong cú giao bóng thuận tay?

Cầm vợt giữa ngón cái và ngón trỏ để khóa vị trí của nó và tạo ra hai điểm áp lực quan trọng. Hình ảnh 1-5 cho bạn thấy bạn phải làm thế nào. Bằng cách đó bạn có thể chuyển động cổ tay của bạn một cách tự do và nhanh nhẹn. Tính nhanh chóng và linh hoạt này cho phép bạn đặt thêm xoáy lên quả bóng và biến hóa tốt hơn cú giao bóng của bạn. Nếu bạn so sánh hình ảnh 2, 3 và 5, bạn có thể thấy rằng vị trí của ngón tay giữa có thể khác nhau:

1. Hình 2: cùng với ngón trỏ ở trên mặt vợt gần cạnh dưới.
2. Hình 4: uốn cong giống ngón đeo nhẫn và ngón tay trỏ ở vị trí thấp hơn nơi cán vợt (ngón tay trỏ trên mặt vợt di chuyển sâu hơn xuống phía dưới).
3. Hình 5: ngón giữa ép vào cán vợt.

Bạn không thể nói một trong 3 cách cầm vợt nào trên đây là tốt nhất, vì mỗi kiểu là mang tính cá nhân và có thể nhìn thấy điều đó ở các VĐV hàng đầu.

Part 4-H1.jpg
Part 4-H2.jpg
Part 4-H3.jpg
Part 4-H4.jpg
Part 4-H5.jpg


Lợi thế của kiểu cầm vợt giao bóng thuận tay này là gì?

Nó được thể hiện trong hình ảnh 6-9. Bạn có thể thấy kiểu cầm vợt thuận tay thông thường trong hình ảnh 5 và 6. Trong hình 6 cổ tay bẻ góc lên trên và vợt đã sẵn sàng để quay về phía trước. Hình 7 thể hiện sự kết thúc đã quay vợt này. Điều quan trọng là nhận ra rằng điểm cuối của cán vợt đã chạm vào cẳng tay ngoài (bị cấn – ND). Hãy nhìn vào hình ảnh 8 và 9. Ở đây, sự chuyển động đó với cú giao bóng thuận tay được minh họa. Tại điểm cuối của cú xoay, cán vợt là nằm trên mặt cẳng tay. Phạm vi di chuyển của vợt là rộng hơn một cách đáng kể và bạn có thể đạt được tốc độ lớn hơn với cây vợt. Cả hai cho phép bạn đặt được nhiều xoáy hơn lên quả bóng trong khi giao so với kiểu cầm vợt thông thường. Lợi thế này được thể hiện chi tiết trong hình 10.


H6-7.jpg

H8-9.jpg


Part 4-H10.jpg

Có phải các VĐV châu Âu sao chép kiểu cầm vợt giao bóng thuận tay từ kiểu cầm vợt dọc của các VĐV châu Á ?
Tất nhiên. Kiểu cầm vợt dọc châu Á, đặc biệt là biến thể của người Trung Quốc, trong đó ngón giữa uốn cong, ngón đeo nhẫn và ngón tay út nằm giống hình rẻ quạt chống lên mặt phía sau (mặt trái tay) của vợt, cho phép sử dụng tối đa cổ tay và phạm vi rộng hơn của chuyển động của vợt. Đó là lý do tại sao người Trung Quốc luôn luôn là các chuyên gia giao bóng. Xem hình 11 và 12.

Có kiểu cầm vợt riêng cho cú giao bóng trái tay?
Không có kiểu cầm khác biệt như trong cú giao bóng thuận tay, mà trong đó bạn đã rời xa cái cán vợt. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ hàng đầu thích cầm vợt trái tay theo kiểu mà chúng ta đã nói ở trên. Vợt nghiêng vào bên trong. Xem hình 13. Ngón tay trỏ và ngón tay cái giữ ổn định mặt vợt, ba ngón tay khác giữ một cách lỏng vừa phải trên cán vợt. Bạn có thể đạt được một chuyển động rất nhanh và nhiều góc quay với kiểu cầm vợt này bởi vì cổ tay được tăng thêm tính linh hoạt. Xem hình 14 và 15. Hơn nữa, bạn có thể mở rộng quỹ đạo của cú giao bóng bằng cách nâng khuỷu tay nhờ đó mà thay đổi được tốc độ và xoáy. Trong lịch sử gần đây, bằng cách này, tuyển thủ quốc gia Đức Dimitrij Ovtcharov đã lọt vào tốp đầu của thế giới bằng việc sử dụng cú giao bóng trái tay nguy hiểm của mình.





H11-12.jpg
H13-14-15.jpg


(Hết phần 4)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 5: Thủ thuật giao bóng với các điểm tiếp xúc khác nhau

Huấn luyện viên quốc gia Đức Richard Prause đã viết riêng cho Tin tức Thế giới của Butterfly trong loạt bài "Những Khái niệm cơ bản về BB" với những gợi ý thực tế rất đầy đủ. Ông đã cố gắng đưa ra một số lời khuyên hữu ích dễ dàng để tìm hiểu cho tất cả những VĐV nào quan tâm để cải thiện cuộc chơi của mình. Cựu tuyển thủ quốc gia Đức đã làm việc cho Hiệp hội Bóng bàn Đức với vai trò một huấn luyện viên quốc gia trong mười năm. Từ năm 2004, ông đã là huấn luyện viên trưởng của đội bóng bàn nam. Timo Boll không chỉ là một trong những VĐV của ông ta mà còn có mối quan hệ gần gũi với tuyển thủ số 1 của Đức và châu Âu này. Trong phần thứ năm của loạt bài, Richard Prause chỉ ra đâu là nơi mà bạn nên tiếp xúc với quả bóng để bạn có thể đánh lừa đối thủ của bạn (trong khi giao bóng – ND). Hãy vui vẻ với ông và những lời khuyên của ông. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc mong muốn nào, xin vui lòng gửi thư cho chúng tôi. Richard sẽ trả lời.

Điều quan trọng, bóng chạm vào đâu trên bề mặt vợt?

Trong quá trình giao bóng, các chi tiết là rất quan trọng. Một chi tiết nhiều người chơi không biết là: đâu là nơi để tạo sự tiếp xúc giữa quả bóng và vợt của mình. Tùy thuộc vào vị trí bóng chạm vào vợt, mà đặc điểm xoáy của bóng là khác nhau và bạn có nhiều khả năng đánh lừa được đối thủ của bạn. Cùng một động tác giao bóng nhưng tạo ra xoáy khác nhau. Hình 1a, 1b giải thích nguyên lý của việc tạo ra sự tiếp xúc với bóng trong cú giao bóng xoáy xuống thuận tay. Nếu bạn chia mặt vợt thành phần trên và phần dưới (đường màu vàng), bạn sẽ tạo ra nhiều xoáy hơn khi bóng được đánh vào nửa dưới (hình 1a). Ở nửa trên rõ ràng là có ít hoặc thậm chí không xoáy nếu chúng ta giữ vợt thẳng một chút ở cùng thời điểm (hình 1b). Hướng đánh của vợt được chỉ ra bằng mũi tên màu tím. Sự biến hóa không có hoặc có rất nhiều xoáy là đặc biệt hiệu quả với các cú giao bóng ngắn.

Part 5 -H1a, 1b.jpg


Có thể áp dụng nguyên lý tương tự cho cú giao bóng xoáy ngang?

Điều đó cũng áp dụng cho các cú giao bóng xoáy ngang chỉ khi đầu vợt chúc xuống dưới. Nếu chúng ta đánh vào bóng với nửa trên thì chúng ta sẽ tạo ra ít xoáy, và với nửa dưới thì sẽ tạo ra nhiều xoáy hơn (hình ảnh 2a, 2b). Điều này liên quan với thực tế là tốc độ của nửa dưới của cây vợt cao hơn so với nửa trên.

Part 5 -H2a, 2b.jpg


Giao bóng "chuyển động ngược lại" là gì ?

Một thủ thuật phổ biến khác dựa trên nguyên lý bóng được đánh tại thời điểm khác nhau với cùng một động tác đánh về phía quả bóng, thời điểm thứ nhất là trước khi và thời điểm thứ hai là sau khi thay đổi hướng chuyển động của cú đánh. Trên hình 3a cả hai điểm tiếp xúc với bóng được thể hiện với một quả bóng màu vàng. Nếu bạn nhìn ở tất cả các hình từ 3a đến 3e bạn hãy chú ý đến điểm ngoặt ở giữa (3c). Chúng ta gọi kiểu giao bóng này là "chuyển động ngược lại". Nếu chúng ta tiếp xúc bóng trong phần thứ nhất của động tác, chúng ta nói đó là một cú giao bóng xoáy ngang thông thường. Không có gì xảy ra trong cú xoáy. Nếu chúng ta đánh vào bóng sau khi hướng của chuyển động đã thay đổi, tức sau khi điểm ngoặt, thì chúng ta đã tạo ra một cú xoáy ngang ngược lại. Rõ ràng, không có gì bất thường xảy ra trong thời gian bắt đầu của động tác, và cũng không có gì xảy ra vào giai đoạn cuối của chuyển động. Tùy thuộc vào vị trí của vợt và tốc độ của vợt, chúng ta có thể biến đổi xoáy ngang, xoáy xuống hoặc xoáy lên.

Part 5 -H3a-3c.jpg


Part 5 -H3d-3e.jpg


Trên hình ảnh 4a, 4b, bạn có thể nhận thấy các vị trí khác nhau của vợt. Vị trí nghiêng ¼ của vợt (hình 4a) là phù hợp hơn cho các kiểu giao bóng xoáy ngang xuống, trong khi vị trí thẳng (hình 4b) lại thích hợp hơn cho các cú giao bóng xoáy ngang và xoáy lên thuần tuý.

Part 5 -H4a, 4b.jpg


Bạn cần luyện tập cú giao bóng này bao lâu?

Đương nhiên những kiểu giao bóng này cần một sự luyện tập rất chuyên sâu nếu bạn muốn làm chủ được chúng. Nhưng cũng phải chỉ ra rằng có nhiều VĐV hàng đầu đã không quan tâm đúng mức đến thủ thuật đề cập ở trên, mà thích một động tác dễ dàng hơn nhằm lừa đối thủ với các vị trí khác nhau hoặc tốc độ khác nhau của vợt. Timo Boll là bậc thầy về cú giao bóng "chuyển động ngược lại" đặc biệt này và được coi là người giao bóng tốt. Thực sự khó khăn để xem có bao nhiêu xoáy mà anh ta đã tạo ra trong các cú giao bóng của mình. Sau khi có luật giao bóng mới mà bạn không được phép che cú giao bóng của mình, thì việc giao bóng đã trở nên dễ dàng hơn và minh bạch hơn. Điều cuối cùng muốn nói là không để cho đối thủ của bạn biết được có bao nhiêu xoáy trong cú giao bóng của bạn. Tuyệt đại đa số các VĐV thích tạo ra một độ xoáy đáng kể. Sẽ không quá khó khăn để nhận ra nếu có xoáy ngang lên hoặc xoáy ngang trên quả bóng, bởi vì bạn có thể nhìn thấy nó ở mọi thời điểm. Nhưng sẽ vẫn khó khăn để phán đoán một cách chính xác mức độ xoáy trong kiểu giao bóng xoáy ngang xuống.

(Hết phần 5)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

(Vì không tìm được nội dung bản tiếng Anh của Phần 6 nên NTBB xin khất lại)

Phần 7: Vị trí đúng và tung bóng đúng luật

Có những vị trí giao bóng nào và tại sao đạt được vị trí giao bóng tối ưu là điều quan trọng?

Vị trí cổ điển đối với một cú giao bóng thuận tay là ở phía trái tay (phía trái bàn – ND) nhằm để chơi quả bóng tiếp theo với cú đánh thuận tay từ vị trí này. Trên hình 1 bạn có thể thấy vị trí này. Lợi thế là ở vị trí 2 chân. VĐV thuận tay phải đặt chân trái ở phía trước và các cầu thủ thuận tay trái thì ngược lại. Bằng cách đó có thể di chuyển nhanh chóng xung quanh phạm vi trái tay và tạo ra một điểm bóng với cú đánh thuận tay. Ngoài ra vị trí giao bóng này cho phép bạn có khả năng phân phối bóng tốt như bạn có thể thấy trong sơ đồ 1a và 1b. Ngày nay còn một tùy chọn thường gặp khác là giao bóng từ giữa bàn thuận tay (hình 2) cũng như trái tay (hình 3). Các cầu thủ giao bóng trái tay từ giữa bàn thường không di chuyển ra 2 bên và mong muốn nhiều hơn một cú đánh trái tay từ phía bên trái tay và một cú đánh thuận tay từ phía thuận tay. Bạn cũng có thể thấy điều đó trong sơ đồ 1. Về phía trái tay, bạn có thể sử dụng toàn bộ khu vực từ bên ngoài đến giữa bàn làm vị trí giao bóng. Điều đó rất quan trọng đối với một cú giao bóng với nhiều biến hóa.

Part 7 - H1.jpg


Part 7 - H2.jpg


Part 7 - H3.jpg


Part 7 - H4.jpg


Có VĐV nào chơi xoáy lên, mà giao bóng từ phía thuận tay trong nội dung đấu đơn?

Không, tôi chưa bao giờ nhìn thấy như vậy ở các VĐV đẳng cấp thế giới.

Part 7 - H5.jpg


Part 7 - H6.jpg


Part 7 - H7.jpg


Part 7 - H8.jpg


Tung bóng tồi thường dẫn đến một cú giao bóng không tốt hoặc thậm chí đôi khi phạm lỗi giao bóng. Điều gì là quan trọng khi bạn tung bóng?

Trước hết bạn phải tung quả bóng lên cao 16cm. Tôi luôn tư vấn cho các cầu thủ của tôi là hãy tung bóng ngang vai. Khoảng đó luôn từ 16-20cm, như bạn có thể nhìn thấy trên hình 4. Đó là độ cao mà bạn có thể làm mọi thứ với trái bóng. Bàn tay ném bóng, cần phải ở đằng sau đường cơ sở (mép cuối bàn – ND). Nếu bạn có vấn đề với điều đó, thì chỉ cần hơi chạm bàn tay tung bóng vào bàn (hình 5). Lúc đó là bạn biết ngay bàn tay của bạn đã ở vị trí tối ưu. Một cầu thủ có kinh nghiệm sẽ không để bàn tay của mình ở phía cạnh bàn như bạn có thể thấy ví dụ trong hình 6. Điều rất quan trọng là quả bóng cần nằm trên mặt bàn tay để phẳng (hình 7). Hình 8 và 9 cho bạn thấy hai sai lầm tồi tệ. Trên hình 8, các ngón tay bao quanh quả bóng, và trên hình 9 thì quả bóng lại nằm trên các ngón tay. Tất nhiên đây là những ví dụ điển hình, nhưng những sai lầm tương tự rất thường gặp. Hậu quả là một cú tung bóng không ổn định và không chính xác và cú giao bóng sẽ không thật hiệu quả.

Part 7 - H9.jpg



Part 7 - SD1+SD2.jpg




Làm thế nào bạn có thể cải thiện vị trí và động tác tung bóng?

Khi so sánh các yếu tố kỹ thuật thì việc đó là tương đối dễ dàng. Bạn cần suy nghĩ về các khả năng chiến thuật trong mối liên quan với vị trí và góc phát bóng. Trước mỗi quả giao bóng bạn phải suy nghĩ kỹ về vị trí đứng và đích mà bạn nhắm tới là gì. Liên quan đến việc tung bóng lên, lời khuyên chạm (bàn tay - ND) vào bàn là không thừa. Chỉ cần bạn nghĩ về nó và bạn có thể cải thiện được cú giao bóng của bạn ngay. Ngoài ra, việc đó dẫn đến mọi bước thực hiện cú giao bóng một cách đúng luật và một lần nữa giúp cải thiện khả năng tập trung của bạn.

(Hết phần 7)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Đã đọc một lần nay đọc lại và suy nghĩ tiếp để vận dụng vào thực tế. thanks Chú Út!

Đọc 1 lần chả nhớ được đâu. Chú là người dịch mà lâu lâu đọc lại thấy như ... mới. Nhưng có cái hay là sau 1 thời gian mày mò tập trên bàn và giao lưu tùm lum, khi quay lại xem các lý thuyết này thì mới thấy các tài liệu này phân tích rất khoa học và rất... đúng. Chịu khó "ngâm cứu" tài liệu, rồi xem video, rồi vào bàn chiến thấy hiệu quả ra phết (là đối với những người tự tập như chú thôi).
 

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 8: Ngắn hay Dài - Thấp hay Cao

Trong phần 8 này Prause Richard trao đổi với bạn làm thế nào bạn có thể điều khiển các cú giao bóng ngắn và dài. Có một số cái đơn giản và cũng có một số cái khó khăn hơn. Ngoài ra, ông giải thích làm thế nào để giao bóng thật thấp. Vị trí và chiều cao là hai thành phần rất quan trọng của một cú giao bóng nguy hiểm.

Part 8 - H1a-1b-1c.jpg


Vị trí ngắn và dài

Vị trí bóng (điểm rơi của bóng – ND) của cú giao bóng là một yếu tố quan trọng và không liên quan đến yếu tố xoáy. Nó phụ thuộc rất nhiều vào vị trí mà cú giao bóng nảy lên trên nửa bàn của bạn. Nguyên tắc chung sau đây thường được áp dụng: khi bạn muốn chơi một cú giao bóng ngắn nó sẽ nảy lên ở gần lưới trên nửa bàn của bạn, đó gọi là cú giao bóng “ngắn - ngắn” (xem hình 1a-c). Còn một cú giao bóng dài nảy lên ở điểm cách xa lưới, gần đường cuối bàn của bạn thì đó là một cú giao bóng “dài – dài”. Đúng hay sai?

Part 8 - H2a-2b-2c.jpg


Đúng, cả hai biến thể của cú giao bóng đều liên quan đến chiều dài giao bóng là cơ bản. Nhưng tôi phải nói rằng cũng có những khả năng khác. Một cú giao bóng ngắn không nhất thiết phải có điểm nảy lên ở gần ngay trước lưới. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu các cú giao bóng ngắn và dài lại nảy lên ở cùng một vị trí trên phần bàn của bạn (xem hình 2a-2c và 3a-3c). Nếu tôi có thể làm chủ được điều này thì sẽ rất khó khăn cho đối phương dự đoán sớm vị trí của quả bóng. Câu hỏi khác ẩn chứa trong trường hợp này, đó là, tôi phải kiến tạo cú giao bóng như thế nào?.

Part 8 - H3a-3b-3c.jpg


Cú giao bóng được coi là bay lên qua lưới hay rơi xuống qua lưới? Nếu tôi giao bóng gần lưới thì bóng sẽ có quỹ đạo đi lên. Nó đạt tới điểm cao nhất ở đằng sau lưới. Ngược lại, có thể xảy ra rằng nó trở nên quá cao nếu tôi đặt cú giao bóng vào gần với đường cơ sở làm bóng đạt đến điểm cao nhất trên phần bàn của mình và rơi qua lưới. Nó sẽ rơi xuống và nảy lên rất thấp. Rõ ràng kiểu này là có nhiều nguy hiểm hơn nhưng cũng khó thực hiện hơn. Những người chơi gặp khó khăn với các cú giao bóng ngắn thì đầu tiên nên chọn kiểu “ngắn - ngắn” hoặc “dài – dài” hẳn và hãy làm chủ các kiểu giao bóng này trước khi cố gắng tập với kiểu “dài - ngắn”.

Độ cao quỹ đạo bóng bay

Một cú giao bóng nguy hiểm là một cú giao bóng mà bóng bay thấp qua lưới. Làm thế nào tôi có thể điều khiển một cú giao bóng thật thấp?

Đó là điểm quan trọng. Bạn cần đạt được điều đó bằng cách giữ bóng thấp trên nửa bàn của mình, và sau đó nó sẽ bay rất thấp qua lưới. Hình minh họa 1 giải thích các vấn đề liên quan. Bạn chỉ có thể làm được điều này nếu bạn để quả bóng rơi càng thấp càng tốt và đánh vào nó thật muộn. Đó thực sự là kỹ thuật rất khó và cần phải thực hành nhiều. Hầu hết các cầu thủ nghiệp dư đều đánh vào bóng khi nó còn quá cao. Các cú giao bóng sẽ quá cao và đó là một cơ hội hấp dẫn dành cho đối thủ của bạn.

SD-1.jpg


(Hết phần 8)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 9: Các cú giao bóng với vợt nằm ngang và các lời khuyên thiết thực chung cho việc luyện tập giao bóng

Trong phần 9, Richar Prauce giải thích làm thế nào bạn có thể tạo ra nhiều xoáy cho cú giao bóng của bạn bằng kiểu cầm vợt theo chiều ngang. Ngoài ra, ông còn nói cho chúng ta biết điều gì là quan trọng cho việc tập luyện cú giao bóng hiệu quả.



Bài viết cuối cùng đề cập đến các cú giao bóng thấp.

Ở đây chúng ta không quên đề cập những bài báo thú vị về đoạn video dành cho các độc giả của chúng ta từ Richard. Video này nói về "Biểu diễn giao bóng của Liu Guoliang" trên youtube.com. VĐV nổi tiếng thế giới và hiện nay là HLV trưởng đội tuyển bóng bàn nam Trung Quốc đã trình diễn trên truyền hình Trung Quốc cách mà bạn có thể tạo ra các cú giao bóng thấp nhất có thể. Hầu như không thể tin được và bạn cần phải xem các cú giao bóng này. Ma Long, trợ lý của Liu và Wang Liqin đều thành công với sự giúp đỡ của ông.

Điều đó thực sự là không thể tin được. Cần phải cho tất cả các cầu thủ bóng bàn xem một cú giao bóng hoàn hảo.

Hôm nay chúng tôi muốn nói về một cú giao bóng với cây vợt nằm ngang. Một cú giao bóng không thể tưởng tượng được đối với một cầu thủ trung bình nhưng đó lại là bình thường đối với các VĐV ở trình độ hàng đầu. Vậy, cái gì là những điểm chính của cú giao bóng này?

Nếu bạn giữ vợt theo chiều ngang thì bạn sẽ dễ dàng hơn để đánh bóng theo hướng tiếp tuyến và với lực mềm mại hơn cùng một lúc. Tôi để cho bóng lăn một cách thực sự trên vợt. Tôi có thể sử dụng cổ tay tối đa và đạt được xoáy xuống cực đại. Ví dụ sau đây có thể giải thích điều này: nếu bạn cắt một miếng hoặc một ổ bánh mì nhỏ theo chiều ngang và thẳng mà không có động tác kéo qua kéo lại (như kéo cưa – ND), bạn phải giữ con dao theo phương nằm ngang, nếu không bạn sẽ không thể cắt nó thẳng. Ngoài ra, bạn phải xoay cổ tay về phía sau và di chuyển nó về phía trước theo phương ngang. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng đòi hỏi phải thực hành rất nhiều. Bạn có thể thấy những yếu tố quan trọng trên hình. Bóng chạm vào vợt ở vị trí nằm ngang (hình 3). Tại thời điểm tiếp xúc, bạn sử dụng cổ tay một cách mau lẹ và nhấn xoay tối đa vào quả bóng (hình 4).

Bây giờ, đi về cuối những lời giải thích của chúng tôi về cú giao bóng, chúng ta hãy nói về một số khía cạnh chung về việc tập luyện giao bóng. Ở đầu loạt bài của chúng tôi đã nói rằng giao bóng là cú đánh duy nhất trong bóng bàn mà không chịu sự ảnh hưởng của đối thủ và vì lý do đó, nó là cú đánh quan trọng nhất nhưng nó thường bị đánh giá thấp trong tập luyện.

Đáng buồn thay, đó là sự thật. Nhiều người nghĩ rằng tập giao bóng là công việc nhàm chán. Thậm chí bạn có thể nhận thấy điều đó ngay trong số các cầu thủ hàng đầu. Họ thích thú những loạt đánh qua lại lâu với rất nhiều sự di chuyển và các động tác. Ngược lại trong khi tập luyện giao bóng thì buồn tẻ không chịu di chuyển. Tập giao bóng là công việc khó, và nhanh chóng dẫn đến kết quả. Mỗi người có thể cải thiện cú giao bóng của mình trong một thời gian ngắn và thu lợi từ nó. Timo Boll là một ví dụ điển hình về mẫu cầu thủ đã cải thiện các cú giao bóng của mình bằng việc tập luyện cực kỳ chuyên cần và làm cho các đối thủ của anh ta phải e sợ những cú giao bóng này. Mọi người nên tự nguyện luyện tập chăm chỉ để cải thiện các cú giao bóng của mình.

Có áp dụng điều đó cho một VĐV trung bình trong các hạng thấp hơn không?

Đương nhiên, cả các cầu thủ này cũng có thể và nên làm điều này. Lúc đầu, bạn cần suy nghĩ về những câu hỏi sau đây: Ý tưởng của tôi là gì và những cú giao bóng nào là phù hợp nhất? Tôi là một đối thủ thích chơi nhanh, thì các cú giao bóng của tôi cần phải có xoáy lên sao cho đối phương của tôi có thể đánh nhẹ chúng và tôi có thể tiếp tục? Tôi nên sử dụng nhiều cú giao bóng với xoáy xuống nếu tôi muốn giật lại nó hoặc ăn điểm bằng cách sử dụng cú giao xoáy xuống của mình. Xem xét những điểm này bạn hãy chọn một kiểu mới và thực hành nó.

Bạn nên dành bao nhiêu thời gian điều đó?

Khoảng 30 phút, nhưng bạn không nên tập tất cả các kiểu mà nên chọn hai hoặc ba kiểu trong số đó. Sau đó, bạn tập trung nhiều hơn vào một khía cạnh đặc biệt, chẳng hạn như vị trí giao bóng, cái mà bạn có thể đánh dấu trên mặt bàn. Bạn thực hành mỗi kiểu giao bóng khoảng 10 phút. Luôn cần thiết có khoảng nghỉ giải lao chút ít để tập hợp những kinh nghiệm. Bạn không nên thực hiện hơn 20-30 cú giao bóng trong một lần tập và gom toàn bộ các kiểu giao bóng vào trong một loạt. Giao bóng đòi hỏi mức độ tập trung cao nhất. Giao 500 quả bóng một lần cũng không ích lợi gì.

Một cầu thủ nên làm gì nếu anh ta không có một huấn luyện viên? Có rất nhiều trong số họ là ở trình độ trung bình và thấp?

Ngày nay có nhiều cơ hội tốt để xem các pha giao bóng hay bằng việc sử dụng các video, truyền hình, Internet. Nhưng bạn cũng nên nhìn ra xung quanh bạn. Thường có những người chơi bóng với cú giao bóng hay ở trong số các VĐV thuộc hạng thấp mà bạn có thể học tập.

Ở cấp độ nào bạn có thể thấy nhiều cú giao bóng tốt?

Tôi nghĩ rằng ở cấp khu vực.

Ông nói rằng tập giao bóng là một trong những việc yêu thích của bạn. Vậy lời khuyên cuối cùng mà ông có thể đưa ra cho độc giả của chúng tôi là gì?

Đầu tiên bạn nên tập các cú giao bóng một cách thường xuyên. Thứ hai, bạn không nên tập các cú giao bóng với thời gian quá dài chẳng hạn tới hai giờ đồng hồ. Thứ ba, quan trọng là phải tập các cú giao bóng thật tập trung và không phải luôn ở cuối của buổi tập như thường xảy ra. Đôi khi tập như vậy là hoàn toàn phí thời gian. Sẽ tốt hơn rất nhiều là bắt đầu một buổi tập bóng với việc tập giao bóng hoặc lên kế hoạch một buổi tập giao bóng riêng.

(Hết phần 9)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Chú Út ơi ! con đọc một hồi loạn cả mắt ! chắc in ra ngâm cứu cho dễ quá !

Nên như thế. In ra đóng thành tập, khi nào rảnh mở ra xem sẽ nhập tâm (những nguyên lý là chính). Có rất nhiều cái tuy đơn giản nhưng nếu ko đọc thì không biết, hoặc trước đây mình ít để ý. Chẳng hạn trong Phần 8, đoạn nói về quỹ đạo của cú giao bóng: mình để bóng qua lưới khi bóng đang đi lên (sau cú nảy trên phần bàn mình) hay khi bóng đã qua đỉnh cao nhất và đang đi xuống là có đặc điểm khác hẳn nhau đối với đối phương.
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 10 : Việc lập kế hoạch tập luyện: "Thế mạnh của tôi là gì?" - "Điểm yếu của tôi là gì?"

Trong phần 10 của loạt bài của mình, Richard Prause sẽ cho bạn biết làm thế nào để lập kế hoạch tập luyện cho bản thân. Đó là tham gia toàn bộ hoặc một phần vào một khóa học bóng bàn.

Richard, từ quan điểm khoa học thể thao thì tập luyện là một quá trình, trong đó thành tích của một cá thể cần được cải thiện theo một kế hoạch và những mục tiêu, theo hướng đơn giản. Chất lượng tập luyện quyết định mức độ thành tích. Trong thể thao chuyên nghiệp và ở mức độ cao hơn nghiệp dư thì tập luyện được lập kế hoạch theo kết quả đạt được mới nhất trong khoa học thể thao. Nhưng tình hình ở mức cơ bản là gì? Đa số các cầu thủ hoạt động đang chơi ở hạng thấp hơn và tập luyện một hoặc hai lần một tuần và họ thường tham gia vào các cuộc thi đấu mà không được chuẩn bị. Richard, anh cũng biết những khu vực bóng bàn này. Vậy anh giải thích về cách tập luyện này như thế nào?

Đây là một hình thức tập luyện khác. Ở các hạng thấp hơn sẽ có nhiều niềm vui khi được tham gia trong các buổi tập luyện. Việc tập luyện trên hết là phải được vui vẻ. Mặc dù vậy các cầu thủ cũng cần quan tâm đến việc cải thiện trò chơi của họ. Một hình thức đơn giản của hệ thống luyện tập và một ít kế hoạch là đủ.

Làm thế nào để được thế?

Tôi nghĩ rằng việc chuẩn bị cho mùa giải là lý tưởng. Đội sẽ tham gia một trại huấn luyện vào ngày cuối tuần và chuẩn bị cho mùa giải tới. Trong trường hợp đó, các khía cạnh xã hội xây dựng tinh thần đồng đội cũng nhờ thế mà đạt được. Những cầu thủ trong các hạng thấp hơn còn có thể kiến tạo việc tập luyện của họ được nhiều hơn. Họ có thể khởi động (cho mùa giải – ND) một cách có hệ thống và tập luyện dựa trên cơ sở các điểm mạnh và điểm yếu của mình. Các bạn đồng đội cũng có thể chơi bóng dưới hình thức tập nhiều bóng để luyện các cú đánh riêng hoặc để cải thiện tính ổn định. Một ví dụ khác là khi một trong những cầu thủ của đội đã mất nhiều trận thì anh ta cần phải rất chịu khó chơi nhiều séc bắt đầu từ 7 hoặc 8 để luyện tập nhằm khắc phục những điểm yếu tâm lý của anh ta.

Đây là tất cả các biện pháp để tổ chức tập luyện có thể dễ dàng áp dụng trong các hạng thấp. Bạn không nhất thiết phải có một huấn luyện viên cho việc này. Cuối cùng chỉ là yêu cầu nếu VĐV tự mình muốn thế.

Chính xác điểm bắt đầu cho quy hoạch tối ưu độc lập với mức độ chơi là gì?

Hai câu hỏi cơ bản đối với việc lập kế hoạch tập luyện một cách hợp lý và cụ thể - ở mọi trình độ - là rất đơn giản: "Thế mạnh của tôi là gì?" - "Điểm yếu của tôi là gì?". Nhìn về phương diện tập luyện, luôn có 2 câu hỏi cơ bản là làm thế nào để phát triển các điểm mạnh của bạn hơn nữa và cải thiện những điểm yếu của bạn để họ có thể trở thành một trong những VĐV mạnh mẽ của bạn. Điều này sẽ đưa đến các phần chính yếu khác nhau của kế hoạch đào tạo của bạn.

Hãy chọn một đội ở hạng thấp mà bình thường không có huấn luyện viên và các cầu thủ tập luyện trung bình một hoặc hai lần một tuần. Làm thế nào họ có thể thành công trong việc có được một chút về cấu trúc trong đào tạo hàng năm của họ?

Tôi nghĩ rằng việc chuẩn bị cho mùa giải là giai đoạn quan trọng nhất. Ngay cả khi không có một huấn luyện viên có đủ khả năng và thông tin về đào tạo bóng bàn có sẵn hiện nay. Ngoài ra quan trọng là bạn không chỉ chơi bóng bàn, mà còn làm việc cùng nhau trên các yếu tố vật chất. Ngay khi bắt đầu mùa giải, việc tập luyện trở nên cạnh tranh hơn sẽ được định hướng và câu nói "hãy chơi 1 trận" sẽ tăng lên.

Từ khóa: “chơi một trận ". Trong các hạng thấp và trung bình thì tất cả việc tập luyện chỉ bao gồm các séc đấu chơi, càng nhiều càng tốt. Vậy bạn nên chơi nhiều trận nếu bạn chỉ được tập luyện ít là không đúng?

Đúng như vậy, tất nhiên, bạn không thể thay thế việc tập luyện kiểu các cuộc đua tranh bằng việc tập luyện một cách có hệ thống. Mức độ tập trung sẽ cao hơn vì bạn chơi có trọng điểm. Tất cả các cú đánh của bạn được sử dụng trong tập luyện kiểu thi đấu đua tranh. Và điều đó đem lại nhiều thích thú hơn, dĩ nhiên, bởi vì bóng bàn là một trò chơi mà bạn muốn chơi. Mặc dù vậy, quan điểm của tôi là việc tập luyện bóng bàn không được coi nhẹ chỉ là các trò chơi, không phụ thuộc vào trình độ mà bạn đang chơi. Nếu một buổi tập kéo dài hai giờ, thì một nửa của nó cần dành cho việc tập luyện có hệ thống và một nửa còn lại nên dành cho các trận đấu tranh đua. Đó là phương pháp quản lý khả dĩ.

Tuy nhiên, có nhiều người chưa bao giờ có bất kỳ một kinh nghiệm nào với việc tập luyện có hệ thống. Tham gia các lớp học hoặc các trại bóng bàn có thể hữu ích?

Vâng, thực vậy. Thông thường ở đây có nhiều huấn luyện viên dành cho những người trẻ tuổi và ở trình độ chuyên nghiệp. Ở những nơi khác thì không có nhiều. Trình độ và số lượng cung cấp đã tăng đáng kể trong những năm qua, mà tôi nghĩ là rất tốt. Ngoài ra, sự phát triển này cho thấy rằng đã có rất nhiều sự quan tâm. Tất cả những người đến tham gia đầu tiên thường là từ số có trình độ thấp và trung bình. Họ muốn tìm hiểu một cái gì đó và muốn cải thiện trình độ. Họ phải đối mặt với cách tập luyện bóng bàn mà họ chưa biết, và thu nhận được các kinh nghiệm và kiến thức mới. Trong đó có một trải nghiệm rằng bóng bàn là môn thể thao đòi hỏi khắt khe, mà bạn chỉ có thể cải thiện trình độ của mình bằng việc tập luyện đúng cách. Lứa tuổi thay đổi rất nhiều với các mục đích khác nhau. Ngày càng có nhiều người cao tuổi tham gia và cho thấy rằng bạn có thể cải thiện trình độ ở bất cứ lứa tuổi nào. Bóng bàn là một trong những môn thể thao mà bạn có thể chơi từ 8 đến 88 tuổi và hiện nay nó được coi là môn thể thao rất lành mạnh. Đó là một lợi thế lớn của môn thể thao của chúng ta so với những môn khác.

Richard, chúng ta hãy quay trở lại với kế hoạch của một buổi tập kéo dài trong hai giờ. Điều gì cần được cấu trúc một cách cơ bản cho một phiên tập như vậy mà không đi vào chi tiết, hay nói cách khác là một số cách làm tổng quát nào đó mà các cầu thủ thiếu kinh nghiệm có thể sử dụng để định hướng quá trình tập luyện?.

Hãy bắt đầu :

- 15 phút khởi động ngoài bàn: Điều này nhằm đạt được sự lưu thông, làm nóng các cơ và dây chằng, ngăn ngừa chấn thương.
- 15 phút làm nóng tại bàn, thường là đánh đều: điều quan trọng là bắt đầu từ từ và sau đó tăng dần tốc độ.
- 40 phút tập luyện một cách hệ thống: 2x20phút mỗi lần, với 2 bài tập cho mỗi người, thời gian của các bài tập có thể được linh hoạt.
- 50 phút tập luyện thi đấu tranh đua: thay đổi người cùng tập thường xuyên, thay đổi kiểu tranh đua, ví dụ, thưởng người thắng, thay đổi các quy ước như các séc ngắn hoặc các séc theo thời gian và .v.v.. Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn nên tránh chơi với chỉ một người trong toàn bộ thời gian. Ngoài ra có thể chơi 3 trận mỗi trận 3 séc là tốt nhất.

Điều gì là đặc biệt quan trọng khi bạn lập kế hoạch tập luyện của mình?

Sự đa dạng. Việc tập luyện cùng một bài trong suốt thời gian sẽ nhàm chán. Sự đa dạng sẽ gây ra ham thích và điều đó rất quan trọng để việc tập luyện được thành công. Nếu không có niềm vui trong tập luyện thì sẽ không có thành công.

(Hết Phần 10)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 11: Việc quy hoạch đào tạo với các em thiếu niên (từ 7 đến 11 tuổi – ND) trong thể thao đỉnh cao.

Ở cuối Bản Tin, chúng tôi đã nói về quy hoạch đào tạo ở hạng thấp và trung bình. Bây giờ chúng tôi muốn nói đến trình độ không chuyên cao hơn và trong số báo tiếp theo sẽ nói vềb các VĐV chuyên nghiệp. Nếu tôi nghĩ về các đội khu vực của Hiệp hội bóng bàn Đức, bạn có thể giả định rằng các em ở tuổi 12 - 17 sẽ tập luyện bốn lần một tuần. Ở đây, việc quy hoạch đào tạo có một ý nghĩa khác so với nhóm mà chúng tôi đã nói đến lần trước.

Vậy chính xác là về những gì ?

Trong số những cầu thủ này, dĩ nhiên chúng tôi sẽ tìm ra một số em có thiên hướng coi BB là nghề nghiệp chuyên nghiệp. Việc tập luyện 4 lần một tuần hầu như là quá ít đối với số này. Nhưng trung bình thì con số này là được. Ở các nước khác, đặc biệt là ở châu Á, khối lượng (tập luyện – ND) cao hơn rất nhiều. Nếu chúng ta thảo luận việc tập luyện bốn lần mỗi tuần, chúng ta cũng phải xem xét kỹ bốn buổi tập. Việc rèn luyện thể lực, mà cũng rất quan trọng ở cấp độ này, phải được bổ sung vào các buổi tập khác.

Cơ cấu tập luyện cho các nhóm đối tượng này là gì?

Đương nhiên, kế hoạch tập luyện tại đầu mùa sẽ tuân theo các quy tắc của thời kỳ tập luyện. Điều đó có nghĩa là các bài tập động tác chân sẽ được thực hiện nhiều hơn và kéo dài lâu hơn. Ngoài ra, bạn cũng phải làm việc với các yếu tố kỹ thuật. Trong mùa tập luyện cần thay đổi các yếu tố chính. Lúc này các bài tập được thực hiện ngắn hơn và với các hình thức đa dạng hơn. Các kỹ thuật giao bóng và trả giao bóng cũng được đưa vào nhiều hơn. Các bài tập chiến thuật rất quan trọng và cần phải được quan tâm đến từng cá nhân của mỗi VĐV riêng rẽ. Mỗi 3 đến 4 tháng bạn cần phản ánh về bản thân và VĐV.
Làm thế nào để các VĐV phát triển?

Anh ta có được cải thiện trên các mục tiêu tập luyện chính để có thể thiết lập những mục tiêu mới? Huấn luyện viên cần suy nghĩ về điều này thường xuyên cùng với VĐV của mình cũng như với những VĐV trẻ hơn, từ 12 đến13 tuổi. Bên cạnh đó, cũng luôn rất quan trọng là cần có một kế hoạch B trong túi của bạn. Đặc biệt là vào cuối mùa tập luyện, khi sức lực đang ít dần đi, có thể sẽ ý nghĩa hơn để bỏ qua một buổi tập đã được lên kế hoạch và thực hiện một số tập luyện thể lực thay thế.

Sở thích cá nhân cũng là một yếu tố rất quan trọng. Tình hình với đội U15 hoặc đội U18 của Hiệp hội Bóng bàn Đức thì thế nào? Có phải tất cả được phát triển và lập kế hoạch đào tạo đúng như đã soạn ra trong chương trình đào tạo?

Chúng tôi thực hiện điều này một cách chính xác với những VĐV lớn tuổi và tôi chắc chắn rằng điều này cũng như vậy với các em nhỏ. Việc lập kế hoạch đào tạo chính xác không chỉ được thảo luận với các VĐV mà còn với các huấn luyện viên của họ ở địa phương. Bạn không thể phát triển một cầu thủ theo hướng mà anh ta không muốn, chắc chắn đó không phải là một huấn luyện viên quốc gia. Bạn phải làm việc cùng nhau để công bằng với các sở thích cá nhân của từng VĐV.

Sự phối hợp này có thể không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi vì cầu thủ trẻ trong các đội khu vực, nơi liên quan đến huấn luyện viên cấp 4. Có thể tự động phối hợp các vấn đề trong điều kiện đó không?

Đôi khi có thể sẽ gặp khó khăn. Khi đó, sẽ để cho huấn luyện viên quốc gia và "các kỹ năng mềm" của ông ta đưa tất cả các đối tượng vào cùng một định hướng. Đó là cách để ông ta có được các VĐV đầu ra tốt nhất. Nếu đó là cấp độ câu lạc bộ, khu vực hoặc quốc gia, thì tất cả họ đều chỉ có một mục tiêu: có được kết quả tốt nhất trong sự phát triển của một cầu thủ.

Trên đây chúng ta đã nói về việc đào tạo bóng bàn theo tuần, mỗi tuần bốn buổi cho thiếu niên. Vậy khi nào thì cần thiết cho một cầu thủ tăng cường khối lượng để đưa VĐV đó vào đội hình cao hơn của DTTB (Liên đoàn BB Đức – ND) hoặc đạt được thành tích quốc tế?

Cầu thủ đó phải chơi bóng bàn ở cấp độ cao nhất càng sớm càng tốt. Và VĐV phải chịu đựng áp lực đó. Nếu nhìn vào các cầu thủ của đội tuyển nam quốc gia hiện nay như Boll, Ovtcharov, Suess và Baum, tất cả các cầu thủ này đã tập luyện hầu như mỗi ngày kể từ khi họ 10 tuổi. Họ đã tham gia ít nhất là 5 buổi tập trong một tuần, cộng với các cuộc thi đấu ở những ngày cuối tuần, cộng với (thời gian – ND) ở các trại huấn luyện cấp khu vực và quốc gia. Ngoài sự cam kết tự nguyện của bản thân, các cầu thủ này đã được hỗ trợ bởi môi trường xung quanh như cha mẹ, huấn luyện viên của câu lạc bộ hoặc khu vực. Nếu bạn muốn ở vào trình độ hàng đầu, bạn cần phải luyện tập nhiều từ rất sớm. Tôi thực sự không thấy một VĐV nào đi theo con đường chuyên nghiệp tương đối muộn trong bóng bàn mà vươn lên hàng đầu.

Richard, anh là một ví dụ điển hình cho những người đi theo con đường chuyên nghiệp muộn.

Tôi đã đạt được khá nhiều nhưng là một VĐV quốc gia thì tôi chỉ ở thứ hạng số ba hoặc bốn, vững chắc nhưng chắc chắn không phải là đứng đầu – hoặc là một VĐV xuất chúng. Ngay cả khi có những quan điểm khác nhau về chuyên môn thì một VĐV không đi theo con đường chuyên nghiệp chậm nhất khi anh ta 10 tuổi và tập luyện với khối lượng như đã nói ở trên thì sẽ không bao giờ trở thành một cầu thủ ưu tú.

Một số các cầu thủ trẻ đã không được đào tạo như vậy và cuối cùng bỏ cuộc.

Điều đó hoàn toàn bình thường, không phải tất cả mọi người đều có thể đương đầu được với điều đó và đột nhiên phát triển các kế hoạch khác của cuộc sống. Các tuyển thủ quốc gia hiện nay được quản lý như thế và đi theo con đường gian khổ này từ thời thơ ấu của họ - và những năm niên thiếu.

(Hết Phần 11)
 
Last edited:

admin

Administrator
Staff member
BQT đã xóa một số comment của các bạn để topic của bác NTBB không bị loãng.
Đây là topic rất bổ ích nên BQT đã đính lên đầu trang để topic không bị trôi, các bạn không cần vào up lên, cũng không nên spam trong topic này.

Thanks
 

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 12: Kế hoạch đào tạo trong thể thao đỉnh cao

…… Trong phần 12, Richard cho chúng ta biết làm thế nào quy hoạch đào tạo ở trình độ chuyên nghiệp hàng đầu. Ngay cả khi chủ đề này không liên quan đến tất cả mọi người một cách trực tiếp, thì vẫn thú vị để tìm hiểu thêm về nó, đặc biệt là một số vấn đề của trình độ chuyên nghiệp hàng đầu không quá xa so với hạng nghiệp dư. Nếu bạn có thêm bất kỳ câu hỏi hoặc mong muốn nào, hãy gửi mail cho chúng tôi, Richard sẽ trả lời chúng.

Sau khi chúng ta đã nói về việc quy hoạch đào tạo ở cấp độ nghiệp dư và cấp độ các VĐV trẻ hàng đầu trong 2 số báo gần đây nhất, bây giờ chúng ta muốn có một cái nhìn gần hơn đến cấp độ chuyên nghiệp. Ngoài ra, đối với những người chơi nghiệp dư một số vấn đề và những khúc mắc của thể thao đỉnh cao có thể rất đáng quan tâm. Hãy bắt đầu ngay với vấn đề chính: Sự gia tăng một cách khổng lồ và thường xuyên của danh sách các trận đấu của các VĐV quốc tế châu Âu. Hãy lấy một ví dụ về chương trình của một VĐV quốc gia Đức. Tại câu lạc bộ của mình, anh ta đang chơi các trận đấu ở Bundesliga, Cup và Champions League. Là một VĐV đánh đơn, muốn tiến bộ trên danh sách xếp hạng thế giới, anh ta sẽ phải tham gia các giải đấu Pro Tour, giải vô địch quốc gia, lục địa và thế giới. Nếu anh ta đủ điều kiện để tham dự Thế vận hội Olympic, anh ta phải tham gia ở vòng đấu loại trước. Ngoài ra còn xúc tiến các giải đấu nhằm mục đích quảng cáo, của CLB hoặc khu vực.

Richard, làm thế nào để lên kế hoạch cho những việc này?

Kế hoạch tập luyện theo cách truyền thống với hai hoặc ba buổi mỗi tuần không còn tồn tại ở cấp độ bóng bàn chuyên nghiệp. Những gì tôi có là hai cấp độ mà tôi cố gắng thực hiện. Có một thời gian dài trong mùa hè để chuẩn bị cho mùa giải và một thời kỳ ngắn hơn ở giữa mùa đông và mùa xuân mà tôi có thể làm việc về thể lực. Chúng tôi đã kinh nghiệm tốt với điều đó.

Làm thế nào để thực hiện điều này một cách chính xác như vậy ?

Vâng, năm nay chúng tôi đã thực hiện một trại với việc tập luyện thể lực nhiều trong một tuần chỉ trước giải Đức mở rộng vào tháng Ba. Chúng tôi rất ý thức về nguy cơ mà một cầu thủ có thể không đạt được phong độ mong đợi tại một trận đấu ở Bundesliga, ở giải đấu Tour Pro, hoặc một giải nào đó tương tự. Không được đánh giá thấp hiệu quả của một tuần luyện tập thể lực chuyên sâu. Các VĐV đã tập luyện 3-4 tháng trước đó và đây là dịp tốt cho họ để đặt vợt sang một bên trong một tuần. Đương nhiên bạn không thể so sánh điều này với sự chuẩn bị của các nước châu Á và đặc biệt là Trung Quốc cho những giải đấu lớn, nhưng có một vài khác nhau và sẽ giúp có một khoảng nghỉ xả hơi, loại bỏ toàn bộ sự căng thẳng xung quanh và sẽ giúp bạn lấy lại phần nào năng lượng. Khoảng gián đoạn ngắn về thời gian và những thay đổi trong nhịp độ tập luyện có thể giúp giữ được sự tập trung mặc dù có rất nhiều các cuộc thi ở đẳng cấp cao và điều này đã chứng minh tính đúng đắn trong những năm qua.

Anh đã nói về thời kỳ chuẩn bị dài hơn trong mùa hè. Điều này quan trọng như thế nào đối với cả mùa giải?

Nền tảng cơ bản cho toàn bộ mùa giải rõ ràng là được đặt ở đây. Chúng tôi có khoảng ba tuần để chuẩn bị.

Sao không phải là một?

Không, có nhiều trại. Việc chuẩn bị thể lực được thực hiện trong một trại, kéo dài khoảng mười ngày. Sau đó, chúng ta có hai trại ngắn khoảng năm ngày. Ở đó, rất quan trọng là chúng tôi làm việc chặt chẽ với các câu lạc bộ và các khu vực. Nếu không có họ, chúng tôi sẽ thất bại. Mặc dù có một số hoài nghi nhưng các nhóm tập luyện này đã làm việc tốt trong những năm qua và chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với nhau.

Có bao nhiêu trại để anh mời các VĐV tới, trung bình mỗi mùa?

Tôi ước chừng khoảng tám trại. Khoảng vậy. Đó là đã bao gồm các trại ngắn trong ba ngày và các cuộc sát hạch đội bóng hàng đầu.

Các cuộc sát hạch của đội hàng đầu thật là thú vị. Ẩn chứa đằng sau đó là gì?

Chúng tôi chỉ đơn giản là dừng lại ở việc tổ chức các trại mà cả đội hiện có mặt. Chúng tôi không thể làm điều gì hơn. Trại này bắt đầu ngay cả khi các VĐV, những người chơi cho một câu lạc bộ nước ngoài, không thể đến vì họ đã có một danh sách các trận đấu khác ngoài giải của Đức. Vì vậy chúng tôi bắt đầu các cuộc sát hạch với đội bóng hàng đầu của chúng tôi, có bốn, năm hoặc sáu cầu thủ trong số 10 cầu thủ có thể hiện diện và chúng tôi có thể làm việc cụ thể với những người này. Điều này cũng áp dụng cho các công việc cụ thể với huấn luyện viên thể lực của chúng tôi, người có thể tập trung một cách cẩn thận vào một hoặc hai VĐV.

Richard, trước khi một trại bắt đầu, anh không bao giờ biết các VĐV đến trại trong tình trạng nào: trong trạng thái tinh thần tốt, bị tổn thương nhẹ, hay đang ở đỉnh cao hưng phấn. Mặc dù anh đã nghĩ về trại trước khi tham gia, về những gì anh muốn huấn luyện thì anh cũng cần phải hết sức cụ thể và linh hoạt. Làm thế nào để kiểm soát được những điều đó?

Trước hết bạn cần hiểu là tôi gặp các cầu thủ hầu như mỗi tuần và tôi có thể nói chuyện với họ. Đó là ở các trận đấu của Bundesliga hoặc các giải đấu Tour Pro. Nếu không thì tôi điện thoại cho họ. Bằng cách này tôi biết khá tốt những gì tôi có thể mong đợi ở họ trước khi trại đi vào tập luyện. Tuy nhiên, tính linh hoạt là cần thiết từ hai phía. Bạn phải hiểu nhau thật rõ.

(Hết phần 12)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 13 : Kế hoạch tập luyện trong thể thao đỉnh cao

…... Trong phần 13 Richard sẽ cho chúng ta biết về quy trình khởi động ngắn (làm nóng – ND). Ông cũng đề cập đến những sai lầm và thái độ của chúng ta với việc khởi động.

Một VĐV bóng bàn cần khởi động như thế và trong bao lâu?

Tổng cộng 15 phút là đủ. Bạn nên bắt đầu khởi động với việc chạy bộ bước nhỏ. Có nghĩa là bạn nên thực hiện các kiểu chạy khác nhau với tốc độ chạy nhẹ nhàng. Bạn nên hướng về phía bóng bàn. Việc chạy bộ này bao gồm chẳng hạn các bước ngang trong tư thế thẳng đứng và vị trí thấp (hình 1), chạy giật lùi hoặc chạy nâng cao đầu gối luân phiên (hình 3). Rất nhiều hình thức chạy khác có thể được thực hiện một cách dễ dàng như là một sự thay thế. Toàn bộ phần chạy nên kéo dài khoảng 5-6 phút.







Bước tiếp theo là gì?

Bây giờ tiếp theo là phần kéo dãn (các cơ – ND) và tạo độ linh hoạt. Tốt nhất là bắt đầu từ trên xuống dưới. Lúc đầu, bạn kéo giãn vai và các cánh tay bằng cách kéo căng cánh tay sang một bên và hướng ra sau luân phiên trái/ phải (hình 4a, 4b). Sau đó chúng ta vung các cánh tay theo hình vòng tròn (hình 5). Tiếp theo, làm các động tác kéo dãn lườn, thân người, vai, cánh tay và chân. Cần lưu ý điều quan trọng là chân phải cần vắt chéo qua trên chân trái khi chúng ta kéo dãn phía trái và ngược lại (hình 6). Điều đó sẽ giúp làm tăng hiệu quả của động tác kéo dãn. Sau đó là một bài tập cho động tác kéo dãn 2 lườn và phần trên của 2 chân (đùi – ND). Chúng ta đưa 2 chân sang ngang, gập phần thân trên xuống và chạm tay luân phiên vào bàn chân phải và bàn chân trái của mình (hình 7a, 7b). Các chân không nhất thiết phải thẳng ở đầu gối.









Một bài tập rất hiệu quả là “tư thế sumo” (hình 8a, 8b). Bạn cúi xuống và nắm giữ các ngón chân của bạn và sau đó cố gắng đứng thẳng lên. Lặp lại 6 đến 8 lần là tối ưu. Mọi người sẽ tự biết mình có thể kéo dãn đến mức nào. Trong bất kỳ trường hợp nào bạn cũng không nên kéo cơ bắp của bạn quá căng. Cuối cùng có một số bài tập kéo dãn dễ dàng đối với chân và cánh tay, trong đó gồm cả cơ khép (hình 9). Bàn cũng có thể được sử dụng vào bài tập khởi động (hình 10).







Bạn đã quên cổ tay?

Trước đây chúng tôi được học việc xoay và kéo căng cổ tay là một động tác khởi động đặc trưng trong bóng bàn.
Tôi lại không “mặn mà” với điều đó, bởi vì tôi nghĩ rằng quan trọng hơn là khởi động các cơ lớn hơn. Cổ tay là một điểm nối rất dễ bị tổn thương, giống như đầu gối. Quay đầu gối, mà cũng được sử dụng như là tiêu chuẩn, chắc chắn phải được giảm thiểu.

Bạn nghĩ gì về một vài bước chạy nước rút ngắn vào cuối của quá trình khởi động?

Nếu bạn đã khởi động và làm các động tác kéo dãn trước đó thì hoàn toàn không sao. Tốc độ tập luyện nên ở mức bình thường khi bạn không mệt mỏi. Với đội tuyển quốc gia nam, chúng tôi đã phản đối việc thực hiện động tác nhảy hoặc các bài tập mạnh vào lúc bắt đầu hoặc kết thúc phần khởi động, trước khi chúng tôi đi đến bàn.

Một vấn đề với việc khởi động ở trình độ trung bình và thấp hơn là nhiều người cảm thấy bối rối, ngượng ngùng khi khởi động trước những người khác trong phòng thi đấu (hoặc phòng tập – ND). "Hãy nhìn vào nhà vô địch thế giới kìa và sau đó anh ta không có được một quả bóng trên bàn", đó là những gì nhiều người nghĩ. Vì thế mọi người chỉ đi thẳng vào bàn mà không có sự khởi động đầu tiên.

Khởi động như một nhà vô địch thế giới và không bị thương thì vẫn tốt hơn là không khởi động và bị thương. Nguy cơ bị dính chấn thương do không có sự khởi động là cao hơn rất nhiều. Mọi người không ai nên làm điều đó, đặc biệt là với các VĐV lớn tuổi. Khởi động nên trở thành một việc bắt buộc. Nó sẽ thú vị hơn rất nhiều khi thực hiện với một nhóm VĐV. Lúc đó, việc khởi động sẽ không trở nên quá khô khan. Việc đùa vui trong khi khởi động cũng nên được khuyến khích. Điều đó làm thư giãn tất cả mọi người. Việc khởi động sẽ giúp chuẩn bị một cách tối ưu đầu óc và cơ thể cho các nhiệm vụ tiếp theo trong tập luyện và thi đấu.

(Hết phần 13)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 14: Làm nóng tại bàn.

"Cần làm nóng tại bàn lâu hơn" đã được cựu huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Đức đề cập khi viết về một loạt định hướng có tính thực tế dành riêng cho tạp chí Butterfly: "Các Khái niệm cơ bản bóng bàn". Ông đã cố gắng đưa ra một số lời khuyên hữu ích dễ dàng để tìm hiểu cho tất cả những cầu thủ quan tâm đến việc cải thiện trình độ của mình.

Trong phần 14 của loạt bài, Richard cho chúng ta biết làm thế nào để làm nóng tại bàn theo nghĩa đầy đủ. Ông cũng đề cập đến sự khác biệt giữa sự làm nóng cho một trận đấu và cho một buổi tập.

Sau khi chúng ta đã nói về việc làm nóng ở lần gần đây nhất và anh đã trình bày cho độc giả của chúng tôi một chương trình thực tế nho nhỏ, bây giờ chúng tôi muốn xem xét kỹ hơn về việc làm nóng tại bàn. Không phải lúc nào cũng có đủ thời gian - đặc biệt là trước các trận đấu - cho việc làm nóng. Vậy cần tối thiểu bao nhiêu thời gian cho việc làm nóng và anh có thể làm thế nào để thực hiện điều đó một theo cách đầy đủ ý nghĩa nhất?

Khởi động đầy đủ nên ít nhất từ 15 đến 20 phút. Nguyên tắc đầu tiên là từ dễ đến khó, tương tự như cách mà bạn xây dựng một dây chuyền hợp lý trong tập luyện. Về cơ bản cách thức là khoảng 4 phút đánh trái tay - trái tay (hình 1), sau đó bốn phút thuận tay - thuận tay (hình 2). Bạn di chuyển đến vị trí tấn công để đánh cú giật xoáy (hình 1a, 2a). Một người đánh chủ động hơn và người kia đánh thụ động hơn. Sau đó, bạn chuyển đổi. Tiếp theo, bạn chơi 2 phút với các cú đánh song song cạnh dọc bàn (đánh chữ I – ND) mỗi bên (hình 3, 4). Ở trình độ đỉnh cao khuyến khích nên đối giật với việc sử dụng toàn bộ bàn (hình 5) để 2 chân và cả hai bên cơ thể cũng được làm nóng. Sau này tất cả mọi người nên làm theo quy trình đã được lập cho bóng bàn.







Thế còn các cú đánh ngắn-ngắn, hoặc đẩy ngắn, hay cú giao bóng? Anh đã không đề cập đến một số yếu tố mục đích.

Vâng, vì những lời khuyên nêu trên có ý nghĩa đối với việc khởi động cho một buổi tập. Nếu bạn khởi động cho một trận đấu thì các yếu tố như đánh ngắn-ngắn, giao bóng và trả giao bóng là rất quan trọng và cần phải được đưa vào. Ngoài ra các động tác tiếp theo sau cú giao bóng cũng cần được khởi động. Điều này có nghĩa rằng thời gian khởi động trước khi thi đấu phải lâu hơn, giả sử rằng bạn có đủ thời gian.

Có thực là anh cho phép đội tuyển quốc gia thử các cú giao bóng trong khi làm nóng?

Chúng tôi đã làm như vậy và cảm thấy rất hài lòng. Những người cùng tập giao bóng hoặc trả giao bóng trong 10 phút mà không tiếp tục đánh (những cú khác – ND) để chỉ tập trung vào động tác giao bóng và trả giao bóng. Sau đó chúng ta bắt đầu việc làm nóng bình thường. Cũng có thể đặt ra các yếu tố riêng biệt khác ở ngay trước buổi tập. Với cách đó bạn cần hiểu rằng việc khởi động không nên là một quy trình đơn điệu mà nên đa dạng. Tất nhiên, các ví dụ tôi đã đưa ra, chỉ là hai trong nhiều khả năng. Đặc biệt việc khởi động nói chung và khởi động tại bàn có thể và nên luôn luôn được thực hiện theo cách khác nhau, mà đặc biệt quan trọng là đối với các em bé và thanh thiếu niên. Nhân tố "Vui thú" phải luôn luôn được đề cao.

(Hết phần 14)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 15: Tập luyện trong sự lôi cuốn

Luôn luôn từ sự di chuyển

………….. Trong phần thứ 15 của loạt bài, Richard Prauce tập trung vào ảnh hưởng của việc tập luyện chắc chắn. Nó còn được gọi là tập luyện có kiểm soát thông thường. Dưới đây là nhiều lời khuyên và tư vấn tập luyện của Richard. Nếu bạn có thắc mắc hoặc mong muốn gì hãy gửi email, Richard sẽ trả lời chúng.

Richard, với số báo này, chúng tôi muốn đi vào một vấn đề lớn, là "tập luyện tại bàn".

Có một hệ thống rộng lớn các phương pháp tập luyện và các bài tập. Hôm nay hãy bắt đầu với việc tập luyện hạn chế hoặc có kiểm soát, đó là thành phần thiết yếu của việc tập luyện có tính kỹ thuật. Nó được sử dụng để thực hiện sự vận động của ảnh hưởng kỹ thuật đến việc làm tăng lên mức trở thành phản xạ của các kỹ thuật đánh bóng khác nhau trong những tình huống đột biến. Tuy nhiên, một cú đánh thực sự có tính chất tự động về kỹ thuật đòi hỏi một quá trình tìm hiểu và tập luyện kéo dài cả năm.

Anh có thể cho ví dụ về một bài tập kiểm soát cú giật xoáy lên thuận tay đơn giản (chẳng hạn là cú giật thuận tay theo đường chéo từ phía tay thuận trước các cú chặn bóng của đối phương) chứng minh làm thế nào để tăng độ khó của bài tập?

Đối với người mới bắt đầu và các VĐV ở hạng có năng lực thấp, chỉ có thể - chẳng hạn đạt được 10 (hoặc hơn) cú giật theo đường chéo. Ở đây, huấn luyện viên nên tập trung vào kỹ thuật thuần tuý và vị trí chân đúng. Tiến tới mức độ nghiệp dư cao hoặc thậm chí ở mức độ chuyên nghiệp thấp thì phải luôn chú ý đến ảnh hưởng của việc thực hiện động tác di chuyển, chỉ đánh bóng thuận tay đều đặn từng quả một ở điểm giữa bàn (bài tập 1), sau đó đột biến một chút mỗi lần 1 đến 2 quả thuận tay ở điểm góc và giữa (bài tập 2 ) và cuối cùng là biến đổi với các cú đánh thuận tay ở trên ¾ bàn (bài tập 3). Một số biến thể cũng luôn được khuyến khích. Nói chung, các bài tập cổ điển được thiết lập từ dễ đến khó. Trong các bài tập theo dõi thời gian của tôi thường được tiến hành đếm các quả đánh qua lại thành công: ví dụ như 10 lần giật thuận tay theo đường chéo với quả chặn của đối phương mà không mắc lỗi.

Anh nghĩ gì về các bài tập này và mức độ thực hiện nên được chơi?

Bóng bàn đang phát triển hàng ngày. Tôi nghĩ rằng các bài tập đối với những người trưởng thành cần được lựa chọn dựa vào sự di chuyển. Trong phạm vi chuyên nghiệp, họ phải luôn luôn tập luyện dựa trên sự di chuyển. Các vấn đề mà bạn đặt ra với việc kiểm soát các bài tập có thể thấy vẫn được áp dụng trong khu vực khá trẻ. Ví dụ, chúng có thể được áp dụng trong quá trình kiểm tra kỹ thuật cuối cùng. Nhưng ngay cả ở đây, thì xu hướng vẫn là đi từ các bài tập di chuyển, là các bài cơ bản thông thường (bài tập 1) hoặc ngẫu nhiên (bài tập 2 và 3). Một đặc thù riêng của việc cải thiện chất lượng tập luyện có kiểm soát mà cũng được gọi là các bài tập thông thường là cùng với sự thay đổi về cự ly. Hơn nữa, chúng cũng là một trong những vấn đề đã được bạn đề cập trong các bài tập di chuyển.

Anh có thể cho một ví dụ.

Ở đây chúng ta đang nói đến một hình thức "tập luyện trong di chuyển". Ballweg là một đơn cử, người chơi chỉ cần đánh bóng với những thay đổi rất nhỏ: một lần ở gần bàn, một lần ở xa bàn, và cứ như vậy. Anh ta sẽ phải di chuyển về phía trước và lùi lại, và điều chỉnh các cử động đánh bóng cho phù hợp. Với bài tập Topspinbewegung thì đường bay của bóng sẽ ngắn và phẳng hơn; xa bàn hơn là bài tập Schlagarmbewegung - đường bóng sẽ dài và quỹ đạo bóng sẽ cao hơn. Về cơ bản, các bài tập này cần được phối hợp đều đặn, và chơi cả trái tay lẫn thuận tay. Nhưng chúng cần phải được thực hiện một cách đều đặn, nếu không chúng có thể không có hiệu quả.

Bài tập 1:
Giật thuận tay ở góc phía tay thuận và điểm giữa bàn đều đặn với bóng qua lại 1:1. Bài tập Tospinspieler có thể tập trung hoàn toàn vào sự di chuyển vì các đường bóng là đã được xác định.


Bài tập 2:

Giật thuận tay biến đổi chút ít : 1 lần ở giữa bàn và 1-2 lần ở góc phía thuận tay. Ở đây, cú chặn của người đối diện được thực hiện với cú thuận tay, để người giật đánh trả bằng cú giật thuận tay tương ứng. Vì thế, bài tập này được xếp vào loại “không đều đặn”. Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng nên gia tăng đáng kể độ khó trong khi tập.

Bài tập 3:
Người chơi chặn bóng không đều theo bài Tospinspieler trên ¾ bàn. Phần thực hành giật bóng không đều này đòi hỏi phải có sự di chuyển, phối hợp, và sức bền cao.


Bài tập 4:
Giật thuận tay đối với cú chặn thuận tay (của người đối diện – ND) đều đặn từng quả một : giật sớm ở khoảng cách gần bàn (1) và giật quả sau với cự ly xa bàn (2).


Bài tập 5:

Giật thuận tay với sự thay đổi đều đặn khoảng cách đến bàn và ở phía trái và phải bàn:
1: Giật thuận tay gần bàn.
2: Lùi ra giật thuận tay phía tay thuận.
3: Giật thuận tay ở gần bàn và phía góc trái tay.
4: Lùi ra giật thuận tay phía trái tay.
5 ... tiếp tục như bước 1…



(Hết phần 15)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 16: Việc tập luyện nhất quán – (phần 2)

Các VĐV muốn rời khỏi phòng tập với một cảm giác thoải mái.

….. Trong phần 16 của loạt bài, Richard Prauce sẽ cung cấp cho chúng ta thêm những lời khuyên với việc tập luyện có tính nhất quán. Rõ ràng rằng cái gọi là đào tạo có kiểm soát không phải là những buổi tập buồn tẻ và nhàm chán.

Trong phần đầu tiên của chủ đề về tính nhất quán, anh đã nhấn mạnh rằng việc tập các bài tập mà luôn bao gồm sự di chuyển là có tầm quan trọng đặc biệt đối với trình độ đỉnh cao. Vậy cần tập các bài tập này trong thời gian bao nhiêu lâu?

Bạn không thể khái quát điều đó và chắc chắn nó (thời gian tập luyện - ND) là tùy thuộc vào thời kỳ huấn luyện.Trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải, các bài tập cần được thực hiện dài hơn: khoảng 10 đến 12 phút. Trong quá trình chuẩn bị cho một trận đấu, khoảng thời gian này có thể ngắn hơn, hoặc bạn có thể chia nhỏ chúng ra - ví dụ 4 lần, mỗi lần 5 phút. Nếu như việc tập luyện tập trung là hướng đến tốc độ, thì các bài tập với khoảng thời gian rất ngắn ví dụ như 8 lần x 30 giây là rất hữu ích. Các bài tập sẽ được thực hiện với tốc độ tối đa. Bạn cần có nhiều bóng và một người chặn bóng tốt để đạt được hiệu quả cao nhất bởi vì nếu quá nhiều lỗi (đưa bóng hỏng – ND) sẽ làm xáo trộn nhịp độ tập luyện.

Các cầu thủ nên đặc biệt tập trung vào những gì khi thực hiện các bài tập kiểm soát?

Có 2 yếu tố rất quan trọng: Trước hết, VĐV ấy cần chơi với một kỹ thuật thật tốt và tập trung một cách có ý thức sự phối hợp chuyển động của cánh tay cầm vợt và cơ thể. Điều đó làm tăng cảm giác của động tác và sự ổn định chắc chắn trong chuyển động. Thứ hai, anh ta nên chú ý vào các động tác chân, phối hợp hoàn hảo với sự chuyển động của cánh tay cầm vợt và cơ thể. Rõ ràng rằng với mức độ ngày càng tăng, các bài tập phải được thay đổi liên quan đến tốc độ và độ xoáy. Ngoài ra, vị trí của bóng cũng phải được thay đổi để các bài tập trở nên năng động hơn. Hãy chặn bóng ổn định để có khả năng thay đổi nhanh chóng động tác chân khi bóng được đưa một cách không có quy luật cho anh ta đánh thuận tay và trái tay (xem bài tập 1).

Bài tập 1:

Cú đánh xoáy lên được chơi một cách không theo quy luật nào trên toàn bộ bàn và người chặn bóng cũng phải di chuyển.


Ông có thể cho chúng tôi hai bài tập về phối hợp đánh thuận tay và trái tay để làm các bài tập tiêu chuẩn cho tất cả các cầu thủ tấn công?
Bài tập tiêu chuẩn đầu tiên là như thế này: Bạn giật một hoặc hai lần từ phía thuận tay với cú giật thuận tay, và sau đó đối phương của bạn (người cùng tập – ND) đánh bóng về phía trái tay. Lúc này có thể có ba loại biến thể của bài tập (xem bài tập 2):
a) Bạn giật hai lần với cú thuận tay;
b) Bạn giật bóng đầu tiên với cú trái tay và bóng thứ hai với cú giật thuận tay;
c) Bạn giật cả hai bóng với cú trái tay

khi bạn chơi biến hóa – a): khía cạnh của động tác chân được nhấn mạnh nhiều hơn nếu cú giật trái tay được bao gồm, b) và c): khía cạnh phối hợp của quả đánh thuận tay và trái tay trở nên quan trọng hơn.

Bài tập 2:

Bài tập cơ bản: Cầu thủ A giật 1-2lần theo đường chéo với cú thuận tay (1, 3). Cầu thủ B chặn bóng thứ nhất theo đường chéo, và bóng thứ hai theo đường song song mép bàn (chặn chữ I – ND) (2, 4). Cầu thủ A né người về phía tái tay và giật 2 quả với thuận tay (5, 7).
Cầu thủ B chặn quả xoáy lên đầu tiên theo đường chéo (6), quả thứ 2 song song thứ hai về phía trái tay của cầu thủ A (8).

Bây giờ bài tập lại được bắt đầu từ đầu. Bài tập cũng có thể được tiếp tục một cách tự do từ đây theo cách ví dụ cầu thủ B chặn bóng đến vị trí nào mà anh muốn và người giật có thể giật đến vị trí anh ta muốn.

Biến thể 1: cầu thủ A giật bóng thứ 5 với cú trái tay, và di chuyển gần né người giật bóng thứ 7.
Biến thể 2: cầu thủ A chơi cả hai quả bóng từ phía bên trái tay với cú giật trái tay.


Bài tập 3:

Bài tập cơ bản: Cầu thủ A đánh 1-2 quả xoáy lên theo đường chéo (1, 3). Người chặn bóng B chặn quả 1 theo đường chéo (2), quả 2 về phía giữa bàn (4).

A đánh thuận tay từ giữa bàn về phía trái tay của B (5).
B chặn song song (chữ I – ND) về góc thuận tay của A (6).
A giật lần nữa theo đường chéo với cú đánh thuận tay (7).
B chặn bóng song song về góc trái tay của A (8).
Lúc này cả 2 đều chơi trái tay - trái tay theo đường chéo (9/10), cho đến khi A di chuyển gần né người và giật vào giữa bàn của B.
B phải trả lại cú đánh xoáy lên này với một cú đánh xoáy lên thuận tay mạnh vào một vị trí bất kỳ.

Biến thể 1: Cả hai người chơi có thể di chuyển gần né người về phía bên trái tay.
Biến thể 2: Cả hai cầuthủ có thể thay đổi phía đánh với cú trái tay nào mà họ có thể đánh bóng song song khi họ sớm nhận ra rằng cầu thủ kia muốn di chuyển gần né người sang bên trái tay.



Tại sao những bài tập kiểm soát lại quan trọng như vậy?

Chúng rất hữu ích để tạo ra các hình ảnh chính xác của kỹ thuật trong tâm trí và hình hành các động tác đánh bóng thật phù hợp.

Việc tập luyện tính chắc chắn quan trọng như thế nào ở trình độ đỉnh cao?

Đa số các cầu thủ muốn rời khỏi phòng tập với một cảm giác thoải mái và họ cần phải được có nhiều tiếp xúc với quả bóng theo hướng kết thúc buổi tập với cảm nhận tốt. Sau cùng, các bài tập kiểm soát luôn luôn là một phần của việc rèn luyện thể lực đặc trưng của bóng bàn nhằm tạo độ bền và khả năng cao hơn để tập trung chống lại sự nhàm chán gia tăng.


(Hết phần 16)
 
Last edited:

NTBB

Super Moderators
Các Khái niệm cơ bản về Bóng bàn với Richard Prause - HLV trưởng đội tuyển Đức

Phần 17: Các bài tập ngẫu nhiên

Trong phần 17 của loạt bài, Richard Prause nhấn mạnh tầm quan trọng của các bài tập ngẫu nhiên vì các bài tập này sẽ cải thiện khả năng phán đoán và sự phản ứng.

Trong hai số báo gần đây nhất của Bản Tin, chúng ta đã bàn về việc tập luyện mang tính chắc chắn, còn được gọi là các bài tập có kiểm soát. Ngay khi các cầu thủ đã vượt qua trình độ là những người mới bắt đầu chơi bóng, họ nên được tập các bài tập ngẫu nhiên nhiều hơn.

Tại sao các bài tập này lại quan trọng đến thế và nguyên tắc cơ bản của các bài tập này là gì?

Nguyên tắc của các bài tập ngẫu nhiên là đường đi của bóng là không xác định một cách đều đặn và các cầu thủ - tương tự như trong một trận đấu - phải phản ứng kịp thời. Các bài tập ngẫu nhiên là rất quan trọng, bởi vì chúng gần với 1 trận đấu và bạn phải thực hiện các đường bóng mà bạn không thể dự đoán một cách dễ dàng và theo đó là tình hình của “thế trận” sắp tới. Điều này sẽ rèn kuyện khả năng dự đoán và nhận biết đối thủ của bạn khi thay đổi cú đánh trái tay sẽ xảy ra hoặc khi người chặn bóng sẵn sàng cho một cú công bóng.

Cái gì là quan trọng đối với khái niệm cơ bản của các bài tập không đều?

Một lần nữa nguyên tắc từ dễ đến khó sẽ được vận dụng. Các cầu thủ trẻ cần phải học những bài tập này từng bước một. Đối với ý niệm các bài tập ngẫu nhiên, bạn còn cần phải quan tâm đến mục tiêu của bài tập. Các câu hỏi đối với bài tập này có nhiều ý nghĩa cho người chơi và việc phối hợp liên quan đến độ khó sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Ông có thể cho chúng ta một số ví dụ mà trong đó độ khó ngày càng tăng?

Đồng ý thôi, năm bài tập sau đây sẽ làm rõ điều đó.

Bài tập 1

Bài tập 1 (H.1)
Trước hết bắt đầu với bài tập bán ngẫu nhiên như thế này: Người chặn bóng đưa 2 quả đều đặn về phía trái tay, và đột xuất đưa 1 đến quả về phía thuận tay. Phía trái tay là khu vực chắc chắn (mà người chặn sẽ đưa bóng đến – ND), còn ở phía thuận tay, anh ta phản ứng tùy thuộc vào tình huống thực tế. Vì vậy, bài tập này là bán ngẫu nhiên.


Bài tập 2 (H.2)
Đây cũng là một dạng bài tập bán ngẫu nhiên nữa. Nhưng giờ đây, phía trái tay lại là phía có những đường bóng đột xuất. Điều này có nhiều khó khăn hơn. Vì vậy, bạn cần bắt đầu ở vị trí trung gian phía thuận tay. Điều quan trọng là bạn phải di chuyển về phía thuận tay với cả hai chân.



Bài tập 3 (H.3)
Nếu bạn muốn phối hợp các bài tập 1 và 2 với việc di chuyển chân nhiều hơn, bạn hãy áp dụng nguyên lý Falkenberg: Đánh quả 1 với cú trái tay, di chuyển (sang trái - ND) để đánh quả thuận tay từ phía bên trái tay đều đặn và sau đó bạn có thể nhận được 1 hoặc 2 quả bóng về phía góc thuận tay, một cách đột xuất.



Bài tập 4 (H.4)
Đây là bài tập không đều đúng nghĩa. Người chặn bóng chặn bóng đưa đến trên 3 / 4 bàn cho người giật. Người giật phải đánh tất cả các quả bóng trở lại phía trái tay của người chặn. Lúc này cứ mỗi khi có 1 quả chặn về phía xa bên trái tay thì người giật cần đánh trả bằng cú giật trái tay. Sau đó quay lại hướng thuận tay để tiếp tục các cú giật thuận tay.



Bài 5 (H.5)
Bài tập 5 là một bài tập không đều theo đúng quy tắc và rất thường được áp dụng ở trình độ đỉnh cao. Người giật chỉ giật bóng sang bên trái tay của người chặn, người sẽ đưa bóng qua trên toàn bộ bàn. Cuối cùng cầu thủ chặn bóng có thể di chuyển gần về phía trái tay và giật nhẹ. Sau đó là chơi tự do.



Cần tập bài tập ngẫu nhiên kéo dài trong bao lâu?

Khoảng 10 phút, cũng như biến hóa thành 2 lần mỗi lần 5 phút. Cũng rất tốt nếu thực hành các bài tập không đều kết hợp với giao bóng và trả giao bóng.

Huấn luyện viên cần phải để ý điều gì khi các bài tập không đều được thực hiện?

Nhìn chung, các huấn luyện viên cần quan tâm đến VĐV mà mình quản lý để chơi với kỹ thuật tốt không kể cường độ của kỹ thuật cú đánh và động tác chân liên quan. Khi người tập di chuyển sai và hỏng bóng thì các bài tập cần trở lại mức độ đơn giản hơn.

Như vậy khó khăn về các bài tập không đều là gì, và khi nào thì cần thực hiện bài tập với mức độ cao?

Các bài tập đòi hỏi sự tập trung cao nhất và thường được phối hợp chặt chẽ với động tác chân. Điều này thường có thể dẫn đến sự mệt mỏi - về tinh thần cũng như thể chất. Người tập không thể thực hiện các bài tập kỹ thuật tốt và sẽ gặp rất nhiều sai sót. Huấn luyện viên phải theo dõi điều này một cách cẩn thận. Và, như tôi đã nói, lúc đó huấn luyện viên phải cho các bài tập đơn giản hơn, hoặc thậm chí ngừng tập nếu thấy cần thiết.

(Hết)
 
Last edited:

Bình luận từ Facebook

Top