Chuyện lạ "xới phủi độ" bóng bàn Hà thành

BiaBongBan

Thượng Sỹ
08:25 11/05/2010
Ở Trung tâm Thể dục - Thể thao (TD-TT) Thái Hà (đường Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) phía trước bể bơi dành cho trẻ em có một ngôi nhà rộng hơn 100m2. Nơi này dành riêng cho Câu lạc bộ (CLB) bóng bàn, đủ chỗ kê cho 4 chiếc bàn bóng. Đến sinh hoạt thường xuyên ở CLB bóng bàn này có khá đông hội viên. Đa số họ là cán bộ nghỉ hưu, một số ít còn làm việc. Tất cả đến đây với một niềm say mê và vì sức khỏe.


Hầu như tuần nào CLB bóng bàn cũng "được" các ông bầu "đến thăm" và làm xáo động bầu không khí thể thao ở đây. Đi cùng họ là vô số các "cao thủ võ lâm" trong giới pingpong Hà thành và các "cổ đông" nhiệt thành. Hai ông bầu trẻ tuổi này thường xuất hiện với hai cách ăn mặc đối lập. Một người thường mặc vest màu ghi. Còn người kia bao giờ cũng diện chiếc áo phông màu đỏ. Chúng tôi thường lấy màu sắc chiếc áo của họ để mà gọi, mà phân biệt.
Anh Chu, một biên tập viên nghỉ hưu - người có thâm niên 10 năm chơi bóng ở CLB này giới thiệu với tôi:
- Hai cậu này là người "xếp độ" cho rất nhiều cuộc tỉ thí rất đáng xem của giới bóng bàn phủi Hà Nội. Thực ra thì cá độ bóng bàn là điều không nên nhưng cũng vì có nó mà chúng tớ mới được coi những trận đấu hấp dẫn không kém kênh thể thao ESPN tường thuật đâu. Những trận thư hùng cá độ không có chỗ cho cò cưa, cắt đẩy như cánh già chúng ta vẫn chơi hàng ngày. Nó là thứ bóng bàn tấn công đẹp mắt. Bóng sang là "uýnh" liền. Nhiều lúc, phải sau hơn 20 quả giật, bạt, tấn công qua lại mạnh "cháy bàn" hai bên mới chịu phân thắng bại đấy. Cậu có tin không?
Tôi chưa kịp trả lời thì trận đấu bắt đầu. Thường thì để cho khách quan, họ mời CLB chúng tôi giúp làm trọng tài cho những trận thư hùng này. Và khi kết thúc trận đấu, bao giờ họ cũng "bồi dưỡng" trọng tài vài trăm ngàn gì đó. Vị trọng tài bất đắc dĩ này chả bao giờ đút túi số tiền này cả. Tiền được sung vào quỹ của CLB để xài chung.
Sau nhiều lần được "mục sở thị" tôi mới hiểu ra nhiều điều kỳ lạ của cái "thế giới pingpong" bị tiền bạc "dẫn lối đưa đường" này.
Trước hết là cách thách đố. Họ áp dụng "chiến thuật" của môn bóng đá vào bóng bàn.
Bạn chỉ cần nghe thấy hai "cổ động viên" ngoài xới hỏi nhau: "Hai thằng kia chơi hôm nay thế nào, 2-0-2 hay 3-2-3?"... thì đấy là công thức thách đố đấy. 2-0-2 hay 3-2-3 được hiểu như sau: Séc đầu chấp 2 bóng, séc sau không chấp, séc ba lại chấp 2 bóng. Hoặc séc đầu chấp 3 bóng, séc hai chấp 2 bóng, séc ba lại chấp 3 bóng.
Còn hình thức đối kháng cũng thật lạ. Họ đã "phát minh" ra rất nhiều kiểu chơi mà bạn chả bao giờ tìm thấy trong luật bóng bàn quốc tế đâu.
Một hôm, tôi lại hỏi anh Chu trước khi xem một trận thư hùng. Anh bảo, theo nguồn tin vỉa hè thì hôm nay chúng nó chơi theo kiểu "một mình chống lại mafia".
- "Một mình chống lại mafia" là thế nào hả anh"?
- Thì cứ chờ sẽ biết. Anh Chu vẫn dán mắt vào đám cao thủ đang chuẩn bị ra "xới", trả lời tôi.
Ba cao thủ đã ra khởi động. Trọng tài đã cầm bóng. Họ đánh đôi sao chỉ mới có 3 cầu thủ xuất hiện nhỉ. Còn tay vợt thứ 4 đâu? Tôi thắc mắc tự hỏi.
- Một đấu với hai. Hình thức này gọi là "một mình chống lại mafia", cậu hiểu chưa ? Anh Chu hích vai tôi nói. "À thì ra là thế"!
- Này, theo tớ được biết thì hôm nay có thể chúng ta còn được xem một trận thư hùng theo hình thức "lá mặt, lá trái" nữa đấy.
Và hôm ấy tôi đã hiểu thế nào là kiểu đánh "lá mặt, lá trái". Thì ra, một cao thủ đã thách đấu đối phương bằng việc cầm hai tay hai cây vợt bóng bàn. Cao thủ này phải đỡ hoặc đánh lần lượt bằng cả tay trái và tay phải. Nếu liên tiếp đỡ hoặc đánh quả bóng cùng một bên tay vợt sẽ thua. Lối thách đấu "lá mặt, lá trái" còn cho phép cầu thủ cầm một chiếc vợt nhưng phải lần lượt đổi vợt tay phải sang tay trái để đánh. Người nổi tiếng đánh kiểu này là một nhà báo chuyên viết về kinh tế.
Anh Chu khẳng định với tôi rằng: "Theo mình thì người chơi bóng bàn giỏi cả hai tay như trình độ của cậu này ở Việt Nam khó có người thứ hai đâu". Tôi cũng đã được thấy tay nhà báo mà anh Chu giới thiệu chơi kiểu "lá mặt, lá trái". Tuy nhiên ở CLB này chưa một lần tôi thấy anh ta bị các ông bầu "lùa" vào xới độ.
- Cậu đừng nghĩ chơi phủi độ chỉ dành cho dân phủi đâu nha. Những ông bầu đem về "xới phủi" đủ mặt anh tài trong làng bóng bàn phía Bắc. Nhiều tay vợt đến đây đều loại "có số có má" trong giới chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp cả đấy. Có cả những cây vợt phong trào có thứ hạng đang là viên chức của những đơn vị trong thành phố.
Góp mặt trong những trận thư hùng ở đây còn có cả những tay vợt từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh... Họ nhận lời tới đây ban đầu đơn giản là chỉ là để thỏa mãn niềm vui được "đấu súng" với những cây vợt có tên tuổi của "xới phủi Hà thành". Cũng không ít những tay vợt đến với "xới phủi độ" Hà Nội là để có "đồng ra đồng vào". Vì thế, họ "la cà" hết xới này đến xới khác, chấp nhận làm "công cụ" hái tiền cho các ông bầu, chấp nhận để người khác "sắp xếp số phận"...
Cả một thời gian dài tôi đã chứng kiến rất nhiều trận thư hùng cá độ của xới phủi. Có những trận mà giá trị tiền độ lên tới vài chục triệu đồng. Những trận vài triệu đồng chỉ là "chuyện vặt". Được thua xem ra đối với họ rất bình thường. Chưa một lần tôi thấy họ cãi cọ to tiếng với nhau vì thua độ, mặc dù có hôm, vận động viên chơi dưới phong độ khiến ông bầu vỡ độ cả chục triệu đồng. Ở CLB Thái Hà chưa có trận nào giá trị đến 30 triệu. Nhưng nghe "giới thạo tin" cho biết thì "xới Trung Tự" mới là nơi diễn ra những trận độ thuộc diện khủng. Nghe nói có trận, hai ông bầu đã thu xếp được những trận độ có giá lên tới 70 triệu đồng. Những ông bầu chỉ phải bỏ ra một số tiền nhất định, nhiều trận họ chỉ là "nhà cái". Có rất đông các "cổ đông" cùng chung độ cho hai "nhà cái".
- Thế hai cao thủ được chọn đánh độ chỉ việc đánh, còn các ông chủ độ lo chuyện tiền nong à? Tôi lại hỏi anh Chu.
- Tất nhiên là thế. Nhưng để các cao thủ cũng phải có trách nhiệm trong trận thư hùng thì hai tay vợt cũng phải bỏ ra một số tiền nhất định trong tổng số giá trị ván độ. Tức là anh ta phải "góp cổ đông" vào đây để đánh có trách nhiệm, "đánh quên chết" luôn ấy mà. Anh Chu giải thích.
- Này, cậu có nhìn thấy một "thằng cha" mặc áo phông đen đứng ngoài kia không? Hôm nay nó không chơi, chắc là chung độ cho trận này đấy. Theo tớ được biết, cậu ta thuộc diện "có số má" trong các tay vợt "làng phủi" Hà thành đấy. Nhiều trận độ, tự cậu ta thu xếp thư hùng chứ chả chịu thông qua một ông bầu nào sất. Cậu ta là một trường hợp khá lạ. Bố mẹ cậu ấy mất cả rồi. Họ để lại cho hai chị em cậu ta một gia tài khá lớn. Mỗi đứa có hai ba nhà vừa để ở vừa để cho thuê. Tiền cho thuê nhà mỗi tháng cả mấy chục triệu đồng. Cậu ấy chả làm gì ngoài việc la cà hết xới phủi này sang xới phủi khác chơi bóng bàn "phủi độ" để "giết nỗi buồn". Anh Chu tiếp tục cung cấp cho tôi nhiều chi tiết, nhiều chuyện lạ của dân bóng bàn phủi Hà Nội.
Đúng là "phủi độ" bóng bàn khác xa với cá độ bóng đá. Nếu cá độ bóng đá hoạt động bí mật thì "phủi độ" bóng bàn lại hoàn toàn công khai. Hùn độ công khai và chia tiền độ cũng công khai luôn. Sau những trận thư hùng, tiền bạc được giải quyết sòng phẳng ngay khi trận đấu kết thúc. Tiền được chia ngay trước "thanh thiên bạch nhật" với sự chứng kiến của bao nhiêu người có mặt trong CLB.
Hôm xem trận thư hùng giữa một tay vợt dự bị của một đơn vị bóng bàn nổi tiếng, so tài với một tay vợt vô địch làng phủi Hà thành, anh M, một giáo sư, tiến sĩ khoa học ngành toán - người cùng chơi trong nhóm CLB với tôi, nói vui:
- Satanop của Belarut và Boll của CHLB Đức thi đấu cũng chỉ hấp dẫn đến thế mà thôi!
Chuyện bóng bàn "phủi độ" còn dài lắm. Cũng may là dân độ bóng bàn không thèm làm độ những giải đấu chính thức hàng năm của bóng bàn Việt Nam. Họ chỉ tổ chức những trận độ thư hùng trong các "xới phủi" Hà thành mà thôi

Phạm Thành Long

 

BiaBongBan

Thượng Sỹ
link từ trang này cũng ghê phết :cool:, tôi tưởng mấy trận độ vào tầm ngắm của bên công an.
Cứ oánh độ bia cho lành, thắng thua cùng uống & chém gió!!! :rolleyes:
 

Hangruoi

Hồi phục...
Staff member
Bài này có nói đến anh Q. báo (đã mất).
Còn mấy bác bầu xô chuyên thì chả rõ lắm, nhưng ăn mặc lịch sự có lẽ là Q. cờ :)
Máu lửa món này có anh Đ. gà, giờ đã chuyển sang tennis.
 
Last edited:

Bình luận từ Facebook

Top