Chuyến du đấu Trung Quốc đầu tiên của bóng bàn Việt Nam

nhimpitt

Trung Sỹ
VTC - Năm 1956, UBTDTT Trung Quốc mời Đội tuyển bóng bàn Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sang thi đấu với Đội tuyển bóng bàn Trung Quốc trước khi đội tuyển nước này tham dự giải VĐTG. Trải qua 50 ngày trên đất Trung Quốc, dù phải ăn Tết xa nhà nhưng ĐTBB Việt Nam đã thu gom được nhiều kinh nghiệm quý báu.


Thành lập Đội tuyển Quốc Gia

Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp nên phong trào bóng bàn miền Bắc gần như chưa có gì. Tuy nhiên xác định đây là chuyến đi vì mục tiêu chính trị nhiều hơn là chuyên môn nên tiêu chí thành lập đội tuyển được ?oquy? về 7 điểm: có VĐV Hoa kiều (vì thi đấu ở Trung Quốc), có VĐV vùng tạm chiếm, có VĐV vùng tự do, có nam, có nữ, có già, có trẻ.


Trong cuộc thi đấu tuyển chọn được tiến hành tại Hội quán Hàng Bột, những người tham gia tuyển chọn phải là VĐV có thành tích cũ Vô địch tỉnh trở lên.


Chốt lại, đội tuyển gồm 5 nam là Woòng Tắc Koóng, Nguyễn Khắc Thịnh, Phan Đức Cảnh, Bùi Đức Long, Dương Kỳ Hưng và 3 nữ là Trịnh Thị Nhuận, Lê Tuấn Dung, Lê Cẩm Vinh. Cựu vô địch Đông Dương Mai Duy Dưỡng, người đang phụ trách bộ môn bóng bàn của UBTDTT, làm Trưởng đoàn. Đội tuyển tập luyện từ 13 đến 25/12, ngày 26 lên đường.


"Chu du" ở Trung Quốc


Ngày 28/12, đoàn đến Thủ đô Bắc Kinh, 31/12 đón năm mới dương lịch. Tối 1/1/1957, điều khiến mọi người rất ngạc nhiên là ngành TDTT nước bạn tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 cho Lê Tuấn Dung. Trưởng đoàn Mai Duy Dưỡng thêm 1 kinh nghiệm trong đối nhân xử thế.


Tối 2/1, ĐTBB Việt Nam thi đấu với ĐTBB Trung Quốc. Khán giả Bắc Kinh đến rất đông. Phía bạn đưa ra 5 tuyển thủ nam là Vương Truyền Diệu, Khương Vĩnh Ninh, Phó Kỳ Phương, Trang Gia Phu, Hồ Vĩnh Quyền và 3 nữ tuyển thủ là Lâm Tuệ Khanh, Khưu Trung Huệ, Diệp Bội Quyền.


Lúc đó các VĐV Trung Quốc đã đánh vợt mút mà lớp mút dày 1 cm chứ không phải là 0,2cm như bây giờ, kỹ thuật líp giật của họ đã hoàn hảo còn VĐV Việt Nam vẫn dùng vợt gỗ dán gai cao su nên hầu như không đỡ được bóng. Kết quả ĐTVN thua cả 5 trận nam và 3 trận nữ. Các đối tượng ?ođồng cân? hơn là Tuyển công nhân Bắc Kinh, Dự trữ Quốc gia, ĐTVN cũng vẫn thua, với các tỷ số 1-4 và 0-5.


Tạm biệt Bắc Kinh, ĐTVN về Thượng Hải tập huấn 1 tháng. UBTDTT Trung Quốc cử 2 HLV đi cùng ĐTVN. Có chuyện là ban đầu, trong lúc tập luyện gần như các tuyển thủ Việt Nam không đỡ được bóng của 2 HLV Trung Quốc.


Ông Dưỡng tức quá bèn cởi áo ngoài, cầm vợt nhảy vào đánh thay VĐV của mình. Ông giở tài cắt bóng ngày xưa ra và cả 2 HLV Trung Quốc nếu không đưa bóng rúc lưới thì ra ngoài bàn.


Họ ngạc nhiên lắm, hỏi ông là ai. Ông nói mình là cán bộ chính trị, có biết chút ít về bóng bàn nên nhà nước cử làm Trưởng đoàn. Họ không chịu bèn điện về Bắc Kinh hỏi nguồn gốc của ông. Khi biết ông là cựu Vô địch Đông Dương, từng thắng nhà vô địch châu Á Mai Văn Hòa ở giải Bắc kỳ mở rộng năm 1944.


Kể từ đó, phía Trung Quốc rất nể trọng ông, cố tìm cách học cách cắt bóng.


Trong quá trình giúp Việt Nam, Sở TDTT Thượng Hải thường xuyên cử các VĐV hàng đầu là Từ Dần Sinh (người sau này làm chủ tịch LĐBB thế giới), Dương Tuyên Hoà, Tiết Vĩ Sơn, Cổ Hán Chương, Lương Hữu Nam và 4 nữ là Trì Huệ Phương, Đới Long Chu, Chu Bội Dân, Từ Giới Đức thi đấu với ĐTBB Việt Nam.


Các tuyển thủ Việt Nam lên tay trông thấy, thi đấu với đội tuyển các ngành đã bắt đầu có những trận thắng. Thành công nhất khi đoàn chỉ thua Đội tuyển học sinh Thượng Hải 3-5.


Trong 1 tháng ở Thượng Hải, lần đầu tiên cán bộ, VĐV ăn tết nguyên đán xa nhà. Sở TDTT Thượng Hải và một số Việt kiều đã làm tất cả để cán bộ, VĐV Việt Nam cảm thấy như đang ăn Tết ở nhà mình. Ông Dưỡng được tặng 2 vợt mút do Trung Quốc sản xuất.


Sau đó, đoàn Việt Nam về tập huấn ở Quảng Châu 2 tuần. Khi các cán bộ tiền trạm của Quảng Châu tới làm việc với đoàn, Ông Dưỡng có 2 yêu cầu. Một là được đến viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã ám sát hụt toàn quyền Mec - lanh sau đó nhảy xuống sông Châu Giang tự tử. Hai là được đến thăm một xưởng làm vợt bóng bàn.


Ông đã nghĩ đến việc tự sản xuất vợt để phát triển phong trào. Sau này, xưởng vợt bóng bàn Đường Sắt ra đời là do sự gợi ý của ông Mai Duy Dưỡng.


Về đến Quảng Châu, điều ông Dưỡng bất ngờ nhất là Sở TDTT Quảng Châu đã dọn con đường đến mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái để ĐTBB Việt Nam đến thăm. Xung quanh cỏ mọc um tùm, trông rất thê lương, con đường nhỏ dài gần 1 km còn nguyên vết cuốc xẻng. Mộ cũng vừa được cắt cỏ và tu bổ cho gọn gàng.


Ông Dưỡng được biết những người dân chài trên sông Châu Giang đã vớt xác liệt sĩ và mai táng ngay bên sông nên gần như là mồ vô chủ. Các nhà lãnh đạo Sở TDTT Quảng Châu nói rằng họ sẽ kiến nghị với lãnh đạo tỉnh đưa hài cốt liệt sĩ Phạm Hồng Thái an táng tại nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, nơi an táng 72 Liệt sĩ Công xã Quảng Châu.


Năm sau trở lại Quảng Châu, ông Dưỡng được đưa đến nghĩa trang Hoàng Hoa Cương viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái và được biết Sở TDTT Quảng Châu đã giữ lời hứa.


Chuyến đi của ĐTBB VN ?" Đội tuyển đầu tiên của Thể thao Việt Nam sau ngày miền Bắc được giải phóng là như thế. Trong thời gian ở Trung Quốc, ông Dưỡng tìm mọi cách để hiểu được Trung Quốc đã làm gì để phát triển bóng bàn sau ngày giải phóng. Những gì tìm hiểu được đã gợi cho ông rất nhiều ý hay để xây dựng và phát triển môn bóng bàn tại miền Bắc trước ngày thống nhất đất nước.

Kết quả cụ thể là việc ĐTVN tham dự Ganefo, giải quốc tế Á - Phi ?" Mỹ Latin sau đó? thành công ngoài mong đợi. Riêng ở giải Á-Phi-La, đội nam Việt Nam đã đứng thứ 4, một thành tích được đánh giá là rất xuất sắc.

A.G
 

Bình luận từ Facebook

Top