1.Bóng bàn Trung Quốc – Con đường đi đến ngôi bá chủ

1. Bóng bàn Trung Quốc – Con đường đi đến ngôi bá chủ
Hiện nay, không ai có thể phủ nhận ưu thế tuyệt đối của bóng bàn Trung Quốc. Không nước nào có được một đội ngũ đông đảo các tay vợt ở trình độ cao như Trung Quốc, và cũng không ở đâu sự cạnh tranh vào danh sách đội tuyển Quốc gia lại gay gắt như Trung Quốc. Con đường đi đến ngôi vị bá chủ của Trung Quốc là cả một quá trình dài tóm gọn trong 6 chữ “Kiên trì, Chuyên nghiệp, Bản sắc”.

Bóng bàn không xuất phát từ Trung Quốc và dường như ý thức được xuất phát điểm của mình thấp hơn nhiều nước nên khi bắt tay vào làm người Trung Quốc đã xác định đó là một quá trình dài. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, hình ảnh các vị lãnh đạo nhà nước Trung Hoa chơi bóng bàn được trương lên khắp hang cùng ngõ hẻm như một cách khuyến khích người dân chơi bóng bàn. Bàn bóng được dựng tại khắp các khu phố, làng xóm (đến giờ phong trào này vần được duy trì), ngay cả tại các điểm vui chơi như công viên, vườn hoa cũng có bàn bóng và tất nhiên phong trào bóng bàn của Trung Quốc phát triển với tốc độ vũ bão, hệ thống giải thi đấu phong trào được kiện toàn với hàng trăm giải mỗi năm. Theo cựu VĐTG Zhuang Zhedong, Trung Quốc xác định phong trào là nền móng cho bóng bàn đỉnh cao nên Tổng cục TDTT rất chú trọng phát triển, không chỉ vì qua phong trào có thể nhặt được nhân tài mà quan trọng làm thay đổi quan niệm của người dân về bóng bàn, khiến họ sẵn sàng cho con em theo học (dù học phí không hề rẻ, theo tính toán có thể lên đến gần 7000 USD/năm khi tập luyện với những HLV hàng đầu tại những trường TDTT danh tiếng). Song song với đó là một chương trình đào tạo VĐV chuyên nghiệp cực kỳ bài bản. Toàn Trung Quốc có tới hơn 1000 trường đào tạo VĐV cực kỳ bài bản (bóng bàn có mặt tại tất cả các trường này), trong đó hàng chục ngàn tay vợt trẻ miệt mài tập luyện. Ngay khi được tuyển, các “hạt giống” sẽ được gieo vào đầu một khát vọng chiến thắng đến mãnh liệt. Bài học đầu tiên các tay vợt trẻ tiếp thu bao giờ cũng là “hoặc bạn là nhà vô địch hoặc chẳng là gì cả và bị gạt ra rìa”. Theo chứng kiến của PV USA Today, tại trường TDTT Shichahai ở Bắc Kinh, hình ảnh những nhà vô địch Olympic của Trung Quốc được treo một cách trang trọng trên tường ngay trên tấm băng-rôn đỏ chói “Đây là nơi sản sinh những nhà vô địch thế giới” để khích lệ các VĐV trẻ noi gương đàn anh hăng say tập luyện. Sun Kun, một học viên bóng bàn của trường, tuy chỉ mới 10 tuổi nhưng đã có hơn bốn năm cầm vợt. Mỗi ngày cậu bé phải tập luyện ít nhất là 5 giờ. “Cha mẹ và thầy cô luôn buộc tôi phải nỗ lực tập luyện. Họ muốn tôi trở thành nhà vô địch của thế giới” - Sun tâm sự. Trung Quốc đã đưa ra phương pháp huấn luyện rất khắt khe, thậm chí dùng đòn roi và chửi bới các VĐV trẻ. Sun kể: “Tôi từng bị thầy đá và tát nhiều lần vì không tập chăm chỉ. Thỉnh thoảng tôi đã khóc vì bị đánh đau, nhưng sau đó tôi đã tập luyện chăm chỉ hơn. Tôi muốn mình trở thành vô địch thế giới”. Rèn luyện trong môi trường nghiêm khắc như vậy nên dễ hiểu vì sao các tay vợt Trung Quốc thường tỏ ra già dặn hơn và chịu sức ép cực tốt. Nếu phạm lỗi, hình phạt thường là rất nặng. Chen Qi, học trò cưng của đương kim HLV trưởng ĐTQG Trung Quốc Liu Guoliang đã bị phạt 1 tuần lao động tại nông thôn và phải lên truyền hình xin lỗi khán giả cả nước vì đã có hành vi không đúng đắn tại Gran Prix châu Á (thua đồng hương Wang Hao 0-4 tại chung kết). Tay vợt đầy triển vọng Qiu Yike bị phạt 1 năm cấm thi đấu và đẩy từ đội tuyển Quốc gia A xuống B chỉ vì bỏ đi uống rượu vào ban đêm mà không được phép. Thậm chí, Li Nan (một trong số rất ít những tay vợt nữ trong ĐTQG Trung Quốc cầm vợt dọc) đã bị loại khỏi đội tuyển một thời gian vì đắp mặt nạ dưỡng da trong khi tham dự giải châu Á (BLH Trung Quốc cho đó là không nghiêm túc tập trung cho giải đấu). Khi đã được triệu tập vào đội tuyển, mọi thành viên đều phải tập trung tối đa cho bóng bàn, mọi thứ khác đều bị coi là cấm kị. Vì vậy, Bai Yang (một tay vợt thuộc đẳng cấp hàng đầu về đánh đôi) bị loại thẳng cánh vì có quan hệ tình cảm với một VIP của đội tuyển nam.
1. Bóng bàn Trung Quốc – Con đường đi đến ngôi bá chủ (tiếp)
Tập luyện khổ cực nhưng nếu thành công các tay vợt được đối xử như những ông hoàng. Thu nhập của các tay vợt hàng đầu lên đến hàng trăm ngàn USD/năm, chưa tính đến tiền quảng cáo. Giải chuyên nghiệp superleage được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và tính chuyên nghiệp cũng càng lúc càng cao. Hiện không có giải vô địch nào trên thế giới sánh được với superleage của Trung Quốc. Hầu hết những tay vợt hàng đầu thế giới đều đã hoặc đang thi đấu tại đây. Được thi đấu tại giải này đối với các tay vợt chính là được “đóng mác” đẳng cấp. Nhờ giải quy tụ vô số tay vợt hàng đầu mà các tay vợt Trung Quốc được cọ xát với những phong cách khác nhau, rất thuận lợi khi thi đấu tại các giải lớn. Trong việc huấn luyện, Trung Quốc không chạy theo những trào lưu mà tự làm theo cách của mình. Nói như cựu HLV tuyển Trung Quốc Cai Zhenhua “nếu chúng tôi không tự tìm ra cách làm riêng thì bóng bàn Trung Quốc mãi mãi chỉ đi sau so với các nước khác”. Sau những thất bại, họ đều tự tìm cách hoàn thiện kỹ thuật sao cho phù hợp nhất để giành lợi thế. Đơn cử như khi thấy không thể đối phó được lối đánh bóng dài cũng quả giật có lực xoáy lớn của các tay vợt châu Âu, người Trung Quốc đã tập trung vào lối đánh ôm bàn, tận dụng tốc độ và lực toàn thân cùng độ tàn sát của quả đánh. Hoặc để chống lại quả đặt ngắn thì lối đánh vẩy cổ tay trên bàn được họ áp dụng (Wang Liqin rất thiện nghệ). Nhận thấy những nhược điểm của lối vợt dọc cổ điển, Trung Quốc đã cải tiến thành một kiểu vợt dọc mới gần như vợt ngang, chính Liu Guoliang, một người Trung Quốc là người đầu tiên giật được trái bằng mặt trái vợt dọc, tiếp đó Ma Lin tiến hơn một chút và đến Wang Hao thì gần như hoàn thiện (từ chặn đẩy cho đến giật bóng đều hoàn toàn bằng mặt trái của vợt). Một số tay vợt trẻ như Xu Xin, Miao Xiangyang cũng đánh theo lối này. Gần như ngay khi bóng bàn thế giới đề ra một luật lệ mới nào đó là người Trung Quốc lập tức thích nghi được ngay. Luật cấm che bóng không khiến các tay vợt Trung Quốc gặp rắc rối, cách tính điểm 11/ván vô tình lại khiến bóng bàn Trung Quốc tiến thêm một bước (so với trước khi cách tính điểm này ra đời, các tay vợt Trung Quốc giờ đây nhập cuộc nhanh hơn nhiều). Để tăng tính cạnh tranh trong đội tuyển, Trung Quốc đưa ra hình thức đấu vòng tròn round robin như trong một giải đấu. Họ chú trọng đa dạng hóa thành phần đội tuyển theo đủ các phong cách. Cứ nhìn đội tuyển là rõ, theo phong cách cắt thủ xa bàn có Hou Yingchao, Wang Xi, theo phong cách vợt dọc cổ điển (mà các tay vợt Hàn Quốc thường dùng) có Wang Jianjun, theo phong cách châu Âu có Chen Qi, Li Ping (quả trái của tay vợt này cực mạnh và na ná như quả trái của các tay vợt hàng đầu tại cựu lục địa) hoặc Lei Zhenhua, Qiu Yike đánh theo lối bắt ngắn như các tay vợt Đài Loan, Hồng Kông… Công tác huấn luyện là một trong những thứ mà Trung Quốc có thể tự hào. Các HLV của Trung Quốc rất giỏi đọc trận đấu, tinh tường trong thay đổi chiến thuật. Chẳng hạn như tại WTTC vừa qua, sau khi Ma Long thua Joo Se Hyuk do chiến thuật thi đấu đơn điệu ngay lập tức người kế tiếp đấu với Joo là Wang Hao đã thay đổi lối đánh (tấn công dữ dội ngay từ quả séc và liên tục đổi lực đánh, điểm rơi) và nhanh chóng tiễn Joo 4 séc trắng. Triết lý của người Trung Quốc là “những năm tháng trên bàn bóng là nguyên liệu tuyệt vời cho sự nghiệp huấn luyện” nên hầu hết các tay vợt nổi tiếng đều được bóng bàn Trung Quốc trọng dụng, mời vào BLH, như Liu Guoliang, Kong Linghui, Qin Zhijan, Li Xiaodong, Shi Zhihao… Từ thành công và thất bại của mình, các tay vợt nổi tiếng đã đúc rút ra nhiều điều quý giá và tỏ ra thành công trong sự nghiệp huấn luyện. Chiến thuật, kỹ thuật của các lớp VĐV sau này (dưới bàn tay nhào nặn của họ) đều được nâng lên một bước. Nếu so sánh kỹ càng sẽ thấy kỹ thuật giật bóng của các VĐV Trung Quốc khá khác so với các tay vợt Âu châu. Quả giật của người Trung Quốc kết hợp rất nhiều lực của các bộ phận trên cơ thể nên sức công phá hơn hẳn. Đó không phải ngẫu nhiên có mà là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu do một loạt các HLV hàng đầu Đại lục tiến hành. Hiểu được sự đào thải nghiệt ngã nên bất cứ đời HLV nào của Trung Quốc cũng đều chú trọng xây dựng một đội ngũ kế cận hùng hậu, cho nên nước này chưa bao giờ thiếu nhân tài. Sau thế hệ của Liang Geliang đến lớp Jiang Jiliang, Cai Zhenhua, Chen Xinhua, Chen Longcan, Teng Yi. Lớp này vừa xuống là được lớp của Kong Linghui, Liu Guoliang, Ma Wenge, Wang Tao kế thừa. Nối tiếp là Ma Lin, Liu Guozheng, Wang Liqin, Qin Zhijian. Wang Hao, Chen Qi, Hao Shuai, Qiu Yike, Zhang Chao là những gạch nối trước khi thế hệ của những Ma Long, Xu Xin, Xu Ke chiếm lĩnh vũ đài. Rõ ràng được như ngày nay, bóng bàn Trung Quốc đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả tiền bạc. Những nước khác (Việt Nam chẳng hạn) nếu muốn học chắn chắn phải mất khá nhiều thời gian. Nhưng không phải là không thể học.
1. Những bí mật của bóng bàn Trung Quốc

Cheng Yinghua là một trong những tay vợt bóng bàn từng nhiều năm thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc nên anh hiểu đến chân tơ kẽ tóc của nền bóng bàn hùng mạnh nhất thế giới. Tâm sự của anh với phóng viên của tạp chí bóng bàn thế giới.

ĐTQG
ĐTQG Trung Quốc có chiều sâu hơn bất kỳ đội tuyển nào trên thế giới. Tại trung tâm huấn luyện ở Bắc Kinh, đội tuyển được thành lập với 96 thành viên, 24 nam, 24 nữ, 24 nam trẻ và 24 nữ trẻ.
Các tay vợt được thử lửa khá sớm, thường xuyên được dự các giải lớn ở châu Âu hoặc đâu đó để thử xem khả năng thi đấu quốc tế đến đâu. Từ đây, các tay vợt sẽ được phân chia để có chế đọ khác nhau, những tay vợt có tiềm năng trở thành ngôi sao được ưu ái hơn.
Do có chiều sâu nên đội tuyển Trung Quốc thu được nhiều lợi ích. Nếu một tay vợt bị chấn thương, không đạt phong độ thì ngay lập tức sẽ có người khác thế chỗ. Điều đó đòi hỏi họ phải luôn nỗ lực

Chọn đội tuyển
Tại nhiều nước, ĐTQG được chọn thông qua thi đấu. Đó là cách công bình nhất nhưng chắc chắn không phải là cách tốt nhất để xây dựng được một đội tuyển thống trị. 90% kinh phí của đội được đầu tư cho những tay vợt không thực sự có triển vọng do các tay vợt trẻ vì thiếu kinh nghiệm không thể cạnh tranh được trong vòng tuyển chọn. Một tay vợt 40 tuổi có thể thắng nhưng không thể đem lại sinh khí và sự hứa hẹn cho đội như một tay vợt mới 22. Chính vì vậy, tại Mỹ rất nhiều tay vợt trẻ bỏ lỡ cơ hội lọt vào đội tuyển A. Chẳng hạn như Han Xiao, 20, chỉ vì xếp thứ 5 tại vòng tuyển chọn nên không được đi thi đấu Quốc tế (chỉ 4 tay vợt hàng đầu được đi, khôi hài thay những tay vợt này đều trong khoảng 30-40 tuổi). Ở Trung Quốc thì khác, trừ phi đó là những tay vợt top đầu thế giới, các HLV Trung Quốc không thích chọn những tay vợt đã quá 22 tuổi vào đội tuyển, nếu thành tích sàn sàn nhau thì tay vợt trẻ bao giờ cũng được ưu tiên hơn. Trung Quốc còn lập hẳn một đội trẻ gồm các tay vợt dưới 22 tuổi, tập cùng ĐTQG, có cơ hội được cọ xát với những tay vợt cực mạnh, chắc chắn các tay vợt trẻ phải nỗ lực để vươn lên và điều đó cũng khiến các tay vợt top không thể biếng nhác.

Tập luyện
Kỳ tập luyện của đội tuyển Trung Quốc khá dài và vất vả. Thông thường, cả đội tập 7 tiếng mỗi ngày, cả tập thể lực và tập với bóng. Buổi sáng, tập thể lực và séc vít. Chiều muộn hoặc tối, các tay vợt có thể chia nhóm tập thi đấu. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là kỳ tập thường xuyên của đội tuyển Trung Quốc. Thời gian còn lại, họ tham dự các giải protour, superleage…

Quân xanh chuyên nghiệp
Một lợi thế của Trung Quốc là họ có đội ngũ quân xanh vô cùng phong phú, chất lượng cao. Ở các đội khác, các thành viên đội tuyển thường tập với nhau nhưng ở Trung Quốc thì họ có quân xanh chuyên nghiệp. Điều này đặc biệt hiệu quả với đội nữ khi được tập với các tay vợt nam, thường có trình độ hơn hẳn. Nét nổi bật là những tay vợt quân xanh này thường có khả năng bắt chước các đối thủ của Trung Quốc. Dù cho đó là các tay vợt nam như Schlager, Samsonov, Kreanga, Waldner, Saive, Chuan, Ryu Seung Min và Oh Sang Eun hay các tay vợt nữ như Boros, Tie Yana, Li Jia Wei, Liu Jia, Kim Kyung Ah, và Pavlovich. Các quân xanh thường nghiên cứu videos về các tay vợt họ định mô phỏng, trò chuyện với những tay vợt từng thi đấu với đối tượng để mô phỏng hiệu quả hơn. Theo Duan Xiang, thành viên UB kỹ thuật của Liên đoàn bóng bàn Trung Quốc thì “Chúng tôi có nhiều Samsonov và Waldner là người Trung Quốc. Các thành viên đội tuyển thi đấu với họ thường xuyên và khi gặp những tay vợt này, chúng tôi có cơ hội thắng rất lớn”.
Cheng trải qua hầu hết những năm tháng sự nghiệp trong vai trò quân xanh. Thời gian đầu, ông được giao nhiệm vụ bắt chước tay vợt Hungary Tibor Klampar. Sau khi Klampar giải nghệ, ông được giao nhiệm vụ bắt chước Jan-Ove Waldner. Cheng đã tới châu Âu để xem trực tiếp các tay vợt này thi đấu vì vậy những ai được thi đấu với Cheng đều thấy ông là sự kết hợp giữa Klampar và Waldner.
Tay vợt dọc Jiang Jialiang VĐTG năm 1985. Khi giải năm 1987 đến gần, tất cả đều rõ ràng rằng đối thủ chính của người Trung Quốc là Waldner. Hầu hết thời gian tập luyện của Jiang là với Cheng, vốn có thể bắt chước hầu hết những gì Waldner thực hiện, từ cách séc và trả giao bóng, giật phải, bạt… Cheng liên tục thắng và sau mỗi trận đấu thường đứng hỏi Jiang, trong khi anh này phải chống đẩy, rằng làm sao Jiang có thể vô địch thế giới khi mà thua cả quân xanh. Tuy nhiên hiệu quả là rõ ràng, Jiang trở nên quen với những trận đấu theo phong cách“Waldner” và lại vô địch năm 1987. Các tay vợt hàng đầu hiện này đều không thể tìm đâu ra quân xanh tương đương như Trung Quốc.

Người tập cùng
Một vấn đề khá phổ biến đối với các tay vợt hàng đầu thế giới là tìm được người tập cùng có trình độ tương đương. Trong suốt thời gian thống trị của mình, Waldner đã nhiều lần phải hỏi HLV: “Khi nào thì tôi có thể tập với một tay vợt mạnh hơn?”.
Trung Quốc có đội ngũ sâu hơn bất kỳ quốc gia nào nhưng những tay vợt mạnh nhất vẫn là những những người mạnh nhất. những tay vợt như Wang Liqin và Ma Lin không thể tìm ra được ai để tập luyện cùng hơn là chính họ.
 

Bình luận từ Facebook

Top